Cần tư pháp hóa áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

09/06/2011
Để phù hợp với chủ trương lớn của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) rất cần thiết xây dựng phương án tư pháp hóa việc áp dụng các biện pháp XLHC khác. Đây là ý kiến của đa số thành viên Hội đồng thẩm định Dự án Luật XLVPHC trong cuộc họp diễn ra vào ngày 8/6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng.

Ngoài biện pháp quản chế hành chính đã bị bãi bỏ năm 2007 (Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của Pháp lệnh XLVPHC 2002), thì vẫn còn 4 biện pháp XLHC khác đang được quy định trong Pháp lệnh XLVPHC hiện hành, đó là: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật XLVPHC, Ban soạn thảo đã đề xuất bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh vì cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán của hệ thống luật pháp trong việc xử lý đối với hành vi sử dụng chất ma túy cũng như bảo đảm tính hiệu quả của công tác giáo dục, hoàn lương đối với đối tượng gái mại dâm. Biện pháp bắt buộc chữa bệnh vẫn tồn tại trên thực tế, có điều trình tự, thủ tục áp dụng sẽ do văn bản pháp luật khác điều chỉnh (cụ thể là pháp luật phòng, chống ma túy). Do đó, việc bỏ các quy định về biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh - với tư cách là một chế tài xử lý vi phạm hành chính - sẽ không có ảnh hưởng gì đối với công tác cai nghiện và đấu tranh chống tệ nạn mại dâm, ma tuý hiện nay.

Tuy nhiên, quy định giao TAND cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp XLHC đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục lại là vấn đề có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Ông Sơn Hà (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy – Bộ Công an) băn khoăn về tính khả thi vì phương án này chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay của nước ta. Tuy đồng tình về mặt chủ trương nhưng đại diện TANDTC “kêu” sẽ vướng nhiều vấn đề về lý luận và tổ chức thực hiện từ thủ tục tố tụng, nhân lực, tổ chức bộ máy đến cơ sở pháp lý do liên quan tới một số luật khác như Luật tổ chức TAND. Bởi vậy, cần có lộ trình trong một số năm nữa.

Ngược lại, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến tán thành quy định theo hướng chuyển các biện pháp XLHC đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục cho Tòa án xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp. Bà Yến phân tích, xét về bản chất, các biện pháp này là những biện pháp cưỡng chế nhà nước, hạn chế đến quyền cơ bản của công dân cần được xem xét quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp. Một số thành viên Hội đồng cũng đồng tình với quan điểm của bà Yến và khẳng định không nên quá câu nệ xếp vào loại thủ tục tố tụng (hình sự hay hành chính) nào, mà “đơn giản chỉ là thủ tục xử phạt VPHC”.

 Đại diện Ban soạn thảo – ông Đặng Thanh Sơn cho biết, mặc dù sẽ gặp một số khó khăn trước mắt, song chủ trương tư pháp hóa là phù hợp trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và những khó khăn nêu trên không phải là không khắc phục được. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng nhất trí nên giao TAND cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp XLHC đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.

Cẩm Vân