Hướng tới việc “chuẩn hoá” đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, nhất là tại địa bàn một số tỉnh đặc thù như ở khu vực miền núi phía Bắc, sáng ngày 27/5/2011, tại Hà Giang, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về “Chiến lược và nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly…
Đây là Hội thảo nằm trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu và biên soạn bộ chương trình, tài liệu phù hợp sát với yêu cầu của các đối tượng đào tạo là cán bộ tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc, chuẩn bị cho sự ra đời của Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên tới đây. Vì vậy, nhiều ý kiến trong Hội thảo đã tập trung đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp để đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, quy hoạch và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng… cán bộ tư pháp địa phương, nhất là đào tạo trình độ Trung cấp luật.
Đa số các đại biểu đã hoan nghênh việc Bộ Tư pháp thành lập trường Trung cấp Luật tại Thái Nguyên vì nhu cầu đào tạo cán bộ tư pháp ở khu vực miền núi phía Bắc là rất lớn. Đơn cử như ở Hà Giang, hiện cũng mới chỉ có khoảng 50% cán bộ tư pháp cấp xã là có trình độ Trung cấp Luật trở lên. Hiện, nguồn tuyển dụng cán bộ tư pháp cũng đang dần “cạn kiệt” trong khi nhiều cán bộ tư pháp, khi đã có trình độ Luật nhất định rồi lại được đề bạt, cất nhắc sang vị trí khác. Hay như ở Tuyên Quang, có thời kỳ phải dùng biện pháp tình thế là, cán bộ tư pháp “chuẩn hoá” trình độ Trung cấp nhưng không bắt buộc phải Trung cấp luật mới đảm bảo được 1 cán bộ tư pháp/ mỗi xã, thị trấn.
Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên đây, nhiều ý kiến của các cán bộ cơ sở đã tập trung đi sâu vào việc góp ý về chương trình đào tạo trung cấp chuyên ngành luật, làm sao để cán bộ tư pháp khi ra trường là đã có thể bắt tay vào công việc được ngay, không bị bỡ ngỡ. Thậm chí, đội ngũ cán bộ tư pháp sau khi được chuẩn hoá vẫn cần phải bồi dưỡng kiến thức định kỳ về các văn bản mới, về công việc mới như: cách nhận biết tài liệu chứng thực, quản lý văn bản hộ tịch…. Xa hơn nữa là việc đào tạo cán bộ có trình độ luật cho các ngành khác chứ không chỉ trong ngành Tư pháp…
Do đặc thù địa hình, đa số các học viên là người dân tộc thiểu số nên ngoài chương trình đào tạo theo chuẩn chung, một số ý kiến cũng lưu ý đến việc giảng dạy tiếng dân tộc, đến điều kiện sinh hoạt của học viên tại trường cũng như kinh phí hỗ trợ đào tạo.
Đánh giá cao về những ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho rằng “đây là cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để BTP hoàn thiện chiến lược và nội dung, chương trình đào tạo sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở”.
Khoa Lâm
Chiều 27/5/2011, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Giang. Ghi nhận những nỗ lực và thành tựu của hai đơn vị này trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị các cán bộ, nhân viên ở đây tiếp tục vượt qua những khó khăn để đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, nâng cao vị thế của ngành Tư pháp, thi hành án, góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế của địa phương.
Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền đã có buổi chào xã giao lãnh đạo Tỉnh uỷ Hà Giang. Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Bí thư trường trực tỉnh uỷ Hà Giang Vương Mí Vàng đã hoan nghêng việc Bộ Tư pháp tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cán bộ tư pháp cấp xã tại Hà Giang và mong rằng, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa trong công tác đào tạo, không chỉ về nguồn cán bộ có trình độ trung cấp luật mà cả trình độ Đại học hoặc đào tạo diện cử tuyển… |