Diễn đàn Pháp luật Quốc tế lần thứ nhất là sự kiện quốc tế quan trọng có chủ đề “Pháp luật với tư cách là một công cụ phát triển sáng tạo và bảo đảm của một thế giới toàn cầu”.
Tại các nhóm thảo luận bàn tròn, các đại biểu là Bộ trưởng Tư pháp, Pháp luật, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật thế giới đã tập trung thảo luận về những vấn đề pháp lý đang được quan tâm như: "Tư pháp trong vai trò bảo đảm các công cụ kinh doanh hiện đại nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tòa án và các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế”; "Đảm bảo về pháp luật cho các giao dịch kinh doanh, công cụ đầu tư và tài chính - những thách thức mới trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu"; "Pháp luật quốc tế và quốc gia về phòng chống tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố"; "Pháp luật trong một thế giới toàn cầu: khái niệm pháp quyền và hiện thực hoá các vấn đề cơ bản và nguyên tắc truyền thống"; "Toàn cầu hóa các công cụ pháp lý và vấn đề trị ngoại pháp quyền"; “Thị trường dịch vụ pháp lý và nghề luật trong một thế giới toàn cầu”….
Trong bài phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh: hiện đại hóa và cải thiện hệ thống pháp luật không phải là vấn đề hôm nay mới đặt ra mà đã được các chương trình nghị sự toàn cầu đề cập. Những thành công về cải cách kinh tế, tài chính, xã hội không thể không có sự đảm bảo của một khuôn khổ luật pháp hiện đại và hiệu quả.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng cho rằng, sự phát triển chung của hệ thống kinh tế không chỉ được đảm bảo bởi các yếu tố kinh tế mà còn phụ thuộc mức độ lớn vào các yếu tố pháp lý mặc dù ông cũng cảnh báo những người suy nghĩ đơn giản rằng chỉ cần pháp luật thay đổi thì tự nó sẽ dẫn đến những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, thực tế cuộc sống phức tạp hơn nhiều và ngay cả luật pháp tốt nhất trên giấy cũng không thể chứng minh hiệu quả của nó nếu các cơ quan hành pháp, tư pháp không làm việc hiệu quả. Do đó, Tổng thống Nga đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề thực thi pháp luật và cho biết Liên bang Nga sẽ tiếp tục phát triển hệ thống pháp luật và cải thiện hệ thống tòa án.
Ngay trong ngày 20/5, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký một Sắc lệnh về giám sát thi hành pháp luật trong thực tế ở Nga và giao cho Bộ Tư pháp Nga thực hiện, hàng năm báo cáo kết quả cho các cơ quan liên quan.
Về phía Đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn, trong bài phát biểu tham luận của mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Là một đất nước theo truyền thống pháp luật thành văn, để pháp luật thực sự trị vì, Việt Nam ý thức được tầm quan trọng của việc Cơ quan lập pháp ban hành đầy đủ văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với Hiến pháp năm 1992, Quốc hội Việt Nam đã ban hành hơn 300 bộ luật, luật. Trong hệ thống các văn bản đó, quyền của người dân ngày càng được minh định rõ hơn và khả thi hơn. Nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập của thế giới toàn cầu, đặc biệt là đối với WTO, cũng được nội luật hóa”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nga Alexander Konovalov và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kazactan.
Tại các cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nga và Bộ trưởng Tư pháp Kazactan đều hoan nghênh những đề xuất hợp tác thiết thực của Bộ Tư pháp Việt Nam và cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trao đổi kinh nghiệm về giám định tư pháp, thi hành pháp luật, sửa đổi Hiến pháp… Bộ trưởng Tư pháp Kazactan khẳng định sẽ sớm sang thăm và làm việc với Bộ Tư pháp Việt Nam để tăng cường mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập giữa hai bên.
Hồng Thúy