Nghiệm thu chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch xã, thị trấn

19/05/2011
Sáng nay (19/5), Hội đồng nghiệm thu của Bộ Tư pháp đã thống nhất thông qua “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức tư pháp hộ tịch xã, thị trấn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực đồng bằng” và “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức tư pháp hộ tịch xã, thị trấn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền núi”.

Theo ông Hoàng Ngọc Thỉnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp), các chương trình này nhằm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về pháp luật và nghiệp vụ tư pháp cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch các tỉnh, TP trực thuộc TƯ, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, kỹ năng giải quyết các công việc đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp xã, thị trấn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Dự kiến, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức tư pháp - hộ tịch xã, thị trấn sẽ gồm một số vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật, pháp luật hành chính, hình sự, dân sự và các luật tố tụng (tương ứng), hôn nhân gia đình, đất đai, môi trường, những vấn đề chung về công tác tư pháp xã, thị trấn (bao gồm cả nội dung về trách nhiệm của công chức tư pháp - hộ tịch xã, thị trấn đối với dân).

Ngoài ra, phần chuyên môn, nghiệp vụ sẽ tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND, kỹ năng đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, xây dựng VBQPPL, tự kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL, xử lý vi phạm hành chính, PBGDPL, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, hòa giải cơ sở, TGPL, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, tình hình thi hành pháp luật ở xã, thị trấn.

Các nội dung này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng bằng các phương pháp tích cực gồm thuyết trình, thảo luận, bài tập nhóm, đóng vai, giải quyết tình huống, viết tiểu luận và khảo sát thực tế. Thời gian học dự kiến là 02 tháng với 40 ngày học thực tế.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, Hội đồng thống nhất với sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu, đối tượng, thời gian, phương pháp, nội dung chương trình. Tuy nhiên, nhóm soạn thảo cần lưu ý, các nội dung trong chương trình cần phải bám sát các nhiệm vụ của công chức tư pháp - hộ tịch cơ sở, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của công chức tư pháp - hộ tịch cơ sở.

Đặc biệt, cần căn cứ vào đặc thù hoạt động của công chức tư pháp - hộ tịch từng khu vực để xây dựng các chương trình cụ thể, đáp ứng yêu cầu riêng của từng nhóm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

Tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, nhóm soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện chương trình để trình Bộ trưởng ký, ban hành. Trên cơ sở đó, triển khai biên soạn tài liệu, chuyển Bộ Nội vụ tổ chức tập huấn cho giảng viên và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tại các địa phương./.

H.Giang