Hội nghị điều phối lần thứ 4 thực hiện chương trình hợp tác ba năm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức

23/05/2011
Hội nghị điều phối lần thứ 4 thực hiện chương trình hợp tác ba năm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hợp tác ba năm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức giai đoạn 2009-2011, ngày 20/5/2011 Bộ Tư pháp và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp tổ chức Hội nghị điều phối lần thứ 4 Chương trình hợp tác ba năm với tư cách là các cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình hợp tác giữa hai bên.

Tham dự Hội nghị có đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Viện Friedrich - Ebert - Stiftung, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ… Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và ông Amos R. Helms, Trưởng đại diện, Viện KAS tại Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm mục đích: Rà soát, cập nhật việc thực thi Chương trình trong thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động đã tiến hành trong 6 tháng đầu năm 2011; Chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận, đề xuất biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực thi Chương trình hiệu quả hơn; Thảo luận và thống nhất phương thức triển khai Kế hoạch hợp tác năm 2011; Thống nhất Kế hoạch Đánh giá Chương trình Hợp tác 3 năm 2009-2011 và thảo luận việc xây dựng Chương trình hợp tác 3 năm tiếp theo nhằm triển khai Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức ký ngày 29/02/2008.

Chương trình hợp tác 3 năm (2009-2011) bao gồm 11 lĩnh vực lớn, với 44 chủ đề hợp tác phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của 25 cơ quan, tổ chức của Việt Nam và 25 đối tác Đức khác nhau. Các hình thức hợp tác trong Chương trình hết sức phong phú và linh hoạt, từ các hình thức truyền thống như trao đổi kinh nghiệm thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, các đoàn đi nghiên cứu khảo sát, trao đổi tài liệu, ấn phẩm tới các hình thức hiện đại như hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật của mỗi nước thông qua báo chí và trang thông tin điện tử  Việt – Đức. Bên cạnh đó, Chương trình cũng khuyến khích các đối tác bổ sung các hình thức hợp tác mới phù hợp với từng lĩnh vực trong khuôn khổ Chương trình hợp tác chung.