Bộ trưởng Hà Hùng Cường tham dự Diễn đàn Pháp luật Quốc tế lần thứ nhất tại Xanh Pêtécbua

20/05/2011
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tham dự Diễn đàn Pháp luật Quốc tế lần thứ nhất tại Xanh Pêtécbua
Ngày 20/5, Diễn đàn Pháp luật Quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Pháp luật với tư cách là một công cụ phát triển sáng tạo và bảo đảm của một thế giới toàn cầu” đã diễn ra tại Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga với sự tham dự của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Nga cùng các đại biểu là Bộ trưởng Tư pháp, Pháp luật, người đứng đầu các tổ chức luật sư, luật gia, công chứng… của Nga và các nước trên thế giới.

Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã có bài thảo luận quan trọng khái quát một số nét về pháp quyền tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Ở Việt Nam, tiếp cận và thực thi pháp quyền từ khía cạnh thực tế sớm hơn khía cạnh lý luận, hiện thực hóa những giá trị đã định hình của nó trong điều kiện riêng của đất nước. Pháp quyền Việt Nam dựa trên nền tảng là tư tưởng Hồ Chí Minh, mà mục tiêu đặt ra và khát vọng vươn tới là đất nước phải được độc lập, tự do còn nhân dân thì “ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trên thực tế, sau Tuyên ngôn Độc lập, những nội dung tiêu biểu nhất của pháp quyền Hồ Chí Minh đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, vì những lý do lịch sử, chỉ đến thời kỳ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối Đổi mới (1986), Việt Nam mới thực sự có điều kiện để hiện thực hóa pháp quyền.

Lần đầu tiên, Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) đã chính thức khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân được tổ chức theo nguyên tắc  tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, có sự phân công rành mạch và phối hợp thực hiện giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và  tư pháp.

Là một đất nước theo truyền thống pháp luật thành văn, để pháp luật thực sự trị vì, chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc Cơ quan lập pháp ban hành đầy đủ văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Quốc hội Việt Nam đã ban hành hơn 300 bộ luật, luật. Trong hệ thống các văn bản đó, quyền của người dân ngày càng được minh định rõ hơn và khả thi hơn. Nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập của thế giới toàn cầu, đặc biệt là đối với WTO, cũng được nội luật hóa” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhận định: Ban hành văn bản pháp luật, dẫu sao chăng nữa, cũng mới là bước đầu.  Pháp luật chỉ có thể trở thành yếu tố thượng tôn nếu được toàn xã hội thực thi nghiêm chỉnh trên thực tế. Trong Nhà nước pháp quyền, Nhà nước, hơn ai hết, phải bị ràng buộc bởi pháp luật và phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật do mình làm ra.

Thông tin tới Diễn đàn về một trong những bước tiến trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Với tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân và vì dân, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân, mới đây, Việt Nam đã ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Tố tụng hành chính. Theo các đạo luật này, Nhà nước phải bồi thường khi gây thiệt hại cho dân và có thể bị dân kiện ra trước tòa vì những hành vi vi phạm pháp luật của mình”.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền làm chủ cũng như ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân, Nhà nước luôn tạo điều kiện “nâng đỡ”, hỗ trợ người dân tiếp cận với pháp luật và công lý để họ có thể thực thi quyền của mình, qua đó, đảm bảo tính tối thượng của pháp luật. “Đó là lý do để chúng tôi phát triển đội ngũ luật sư, hệ thống trợ giúp pháp lý; phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Tất cả những điều đó đòi hỏi Nhà nước phải gánh chịu chi phí nhưng là điều kiện để hiện thực hóa pháp quyền, thể hiện bản chất vì dân của Nhà nước Việt Nam” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề cập tới việc thực thi pháp quyền đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và đảm bảo tính bền vững của những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, bước vào giai đoạn phát triển mới 2011-2020, Việt Nam xác định trọng tâm ưu tiên phát triển 3 trụ cột chính là kinh tế thị trường, mở rộng dân chủ và tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền. Việt Nam đang phấn đấu từ nay đến năm 2015 hoàn thành xong về cơ bản việc xây dựng, ban hành các đạo luật còn thiếu để từ năm 2016 trở đi tập trung vào việc hoàn thiện hạ tầng pháp luật tương xứng, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của  nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Việt Nam đang khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo hướng phân định rõ vị trí, chức năng của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo  nguyên tắc  phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực, tạo cơ chế hiến định để kiểm soát sự lạm quyền nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Theo tinh thần đó, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục mở cửa, tăng cường hợp tác với tất cả các nước trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục làm giàu hơn và khả thi hơn nguyên tắc pháp quyền trên thực tế.

Trước đó, ngày 19/5, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp đã có các buổi làm việc với Chánh án Tòa án Hiến pháp và Chủ tịch Hiệp hội Luật gia Liên bang Nga. Tại các buổi làm việc này, hai bên đã trao đổi với nhau những thông tin cơ bản về tình hình chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như những hoạt động nổi bật trong thời gian gần đây. Trước đề nghị của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chánh án Tòa án Hiến pháp và Chủ tịch Hiệp hội Luật gia Liên bang Nga đều bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với các cơ quan tư pháp của Việt Nam trong việc trao đổi kinh nghiệm, góp phần khôi phục truyền thống hợp tác hữu nghị vốn có giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga.

Hồng Thúy