Bộ Tư pháp: Tổ chức Hội thảo “Thực trạng công tác lập kế hoạch của Ngành Tư pháp”

27/05/2011
Bộ Tư pháp: Tổ chức Hội thảo “Thực trạng công tác lập kế hoạch của Ngành Tư pháp”
Trong 02 ngày, 19 và 20/5/2011, tại thành phố Hạ Long, được sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc - UNDP), Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch - Tài chính) đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng công tác lập kế hoạch của Ngành Tư pháp” với sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo; Chánh văn phòng; Trưởng phòng chuyên môn và cán bộ của 16 Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự địa phương trong cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Cao Bằng...); đại diện một số Bộ Ngành (Bộ Nội vụ...); đại diện hầu hết các đơn vị thuộc Bộ và đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu xây dựng Báo cáo đánh giá về thực trạng công tác lập kế hoạch của Ngành Tư pháp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận và tham gia phát biểu ý kiến về thực trạng mô hình kế hoạch Ngành Tư pháp hiện nay, thực trạng hoạt động lập kế hoạch đối với một số loại kế hoạch chủ yếu của Ngành. Nội dung các tham luận tại Hội thảo đã đưa ra những đánh giá bước đầu về thành công, hạn chế, tồn tại trong công tác lập kế hoạch Ngành hiện nay và những nguyên nhân chủ yếu.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đều thống nhất quan điểm về tầm quan trọng của công tác kế hoạch nói chung và hoạt động lập kế hoạch nói riêng trong hoạt động quản lý Ngành. Các ý kiến đều cho rằng trong những năm gần đây, kế hoạch đã trở thành công cụ không thể thiếu được trong tổ chức, triển khai các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau. Hội thảo cũng thống nhất về một số nhược điểm chính trong công tác lập kế hoạch: hiện tại số lượng kế hoạch tuy khá nhiều nhưng các kế hoạch của Ngành chưa thực sự thành một hệ thống thống nhất, thiếu tính xâu chuỗi; còn thiếu quy trình chuẩn đối với việc xây dựng những kế hoạch chủ yếu, các bước xây dựng kế hoạch đôi khi còn thiếu hợp lý, theo hướng chủ quan, áp đặt; còn có sự “vênh” khá lớn giữa các kế hoạch về nội dung và kế hoạch kinh phí đảm bảo triển khai các kế hoạch nội dung (đặc biệt là thời gian xây dựng kế hoạch); có sự chênh lệch khá lớn về khả năng xây dựng và chất lượng xây dựng kế hoạch của các đơn vị trong Ngành (nơi làm tốt, nơi làm sơ sài, hình thức); nội dung một số kế hoạch còn chồng chéo, hoặc thiếu tính tổng hợp; tính khả thi của một số kế hoạch còn hạn chế; một số kế hoạch công tác của Bộ còn chung chung, thiếu tính định hướng khiến địa phương gặp lúng túng trong xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai,…. Các ý kiến tại Hội thảo cũng thống nhất quan điểm về nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trong công tác lập kế hoạch của Ngành Tư pháp hiện nay, như: Nhận thức của lãnh đạo một số đơn vị, địa phương về vai trò của công tác kế hoạch còn hạn chế; thiếu thể chế lập kế hoạch; hoạt động xây dựng kế hoạch còn thiếu chuyên nghiệp; thiếu các thông tin, số liệu thống kê, thiếu những nghiên cứu cần thiết phục vụ công tác lập kế hoạch của Ngành, điều kiện đảm bảo xây dựng kế hoạch còn hạn chế….

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đã kết luận những nội dung cơ bản của Hội thảo và chỉ đạo rõ: Hội thảo về đánh giá thực trạng công tác xây dựng Kế hoạch của Ngành Tư pháp được xem là một trong những hoạt động có tính “khởi động” cho việc bắt đầu một quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kế hoạch của Bộ, Ngành (mà khâu lập kế hoạch phải là khâu đột phá). Kết quả của Hội thảo sẽ phục vụ thiết thực cho việc hoàn thiện nội dung Đề án đổi mới công tác kế hoạch của Ngành Tư pháp. Với tư cách là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng quản lý công tác kế hoạch của Ngành,Vụ Kế hoạch- Tài chính cần phối hợp với các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện, trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án này. Trước mắt có một số giải pháp chủ yếu như sau:     

i) Tập trung hoàn thiện thể chế về xây dựng kế hoạch của Ngành. Cụ thể: Xây dựng, trình Bộ trưởng Chỉ thị về tăng cường công tác kế hoạch của Ngành Tư pháp; xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn về công tác xây dựng kế hoạch của Ngành (trong đó quy định rõ nguyên tắc xây dựng kế hoạch, trách nhiệm của từng cấp; quy trình, thủ tục xây dựng đôi với từng loại kế hoạch chủ yếu; các quy chuẩn về thể thức, các biểu mẫu đối với từng loại kế hoạch,..).

ii) Cần có những hoạt động nghiên cứu khoa học làm cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác xây dựng kế hoạch của Ngành.

iii) Cần đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ trực tiếp làm công tác kế hoạch để từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động xây dựng kế hoạch.

Vụ KHTC


Cục Công nghệ thông tin (1) - Vụ KHTC (2)