Chính phủ thảo luận về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

24/02/2023
Chính phủ thảo luận về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02/2023, cho ý kiến 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật, với nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng, trong đó có Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng tham dự phiên họp có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình rút gọn về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo chủ trương, định hướng của Đảng (Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW…) và khắc khục khó khăn, vướng mắc nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Thủ đô phát triển.
Dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chính sách về tổ chức chính quyền Thủ đô; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao; cơ chế huy động nguồn lực; hoàn thiện quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần bám sát để thể chế hóa tối đa các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với UBND thành phố Hà Nội rà soát, nghiên cứu, chọn lọc các cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng thí điểm, đặc thù với các tỉnh, thành phố khác phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực, xung lực mới cho Thủ đô phát triển, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, nhất là các cơ chế đầu tư, tài chính để huy động hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực; cơ chế, chính sách về thu hút nhân lực chất lượng cao, sử dụng nhân tài, phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, quy hoạch đô thị…; tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Thủ đô đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Dự án Luật phải thể hiện rõ chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý kết hợp với cơ chế kiểm soát quyền lực, thanh tra, giám sát phù hợp, bảo đảm sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Thủ đô.
Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ và ý kiến Thành viên Chính phủ tại Tờ trình số 09/TTr-BTP ngày 21/2/2023 của Bộ Tư pháp.
Kết luận, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); bổ sung Đề nghị xây dựng Luật này vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
 Trần Hồng Hạnh, Vụ VĐCXDPL, Bộ Tư pháp