Quy trình xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới
Trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nhận diện đầy đủ, phân tích rõ nguyên nhân, từ đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã kịp thời quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; tham gia tích cực vào quá trình tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật…
Giai đoạn từ 2016-2020, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 112 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên với nhiều giải pháp mới của Thủ tướng Chính phủ, việc ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đạt nhiều kết quả tích cực; số lượng văn bản “nợ ban hành” giảm mạnh so với trước. Cùng với đó, quy trình xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật; chú trọng xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách; tăng cường sự tham gia của xã hội, người dân vào quy trình xây dựng chính sách, chuẩn bị dự thảo…
Bên cạnh đó, thể chế tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được hoàn thiện với nhiều giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh một cách khoa học, rõ ràng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nội dung ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn, tập trung vào các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Nhấn mạnh đến một số định hướng, giải pháp trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng thể chế phát triển là một trong 3 khâu đột phá chiến lược với nội hàm và yêu cầu mới, đồng thời đề ra một số định hướng lớn, mang tính bao trùm trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Quán triệt mục tiêu đã xác định trong Báo cáo chính trị, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp xác định một số định hướng lớn như sau:
Thứ nhất, tham mưu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tích cực tham gia xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, nhất là các nội dung liên quan đến xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần tập trung mạnh vào các lĩnh vực liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; chế độ công vụ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Thứ ba, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo gắn kết giữa xây dựng, hoàn thiện pháp luật với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật…Tăng cường theo dõi, hướng dẫn áp dụng pháp luật; sớm phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc trong thực tiễn thi hành; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp thực tiễn.
Ngoài ra, cần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong đời sống xã hội.
Hoàn thiện quy trình lập pháp thực chất, hiệu quả
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, để tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, cần sự tham gia chủ động, tích cực của nhiều chủ thể và phải áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy theo hướng thực chất, hiệu quả. Đánh giá thấu đáo, toàn diện kết quả thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.
Tiếp tục đổi mới công tác lập pháp, góp phần xây dựng được các đạo luật vừa có giá trị sử dụng lâu dài, vừa có khả năng thích ứng nhanh với những yêu cầu mới của thực tiễn; vừa đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, vừa tạo không gian sáng tạo trong điều hành của một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, cũng như không gian áp dụng pháp luật linh hoạt của hệ thống Tòa án phụng sự công lý, lẽ phải và sự công bằng.
Cùng với đó, bảo đảm sự tham gia đầy đủ, thực chất, hiệu quả của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, góp ý chính sách pháp luật, dự thảo văn bản…Việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp phải nghiêm túc, chân thành; những ý kiến không được tiếp thu phải được giải trình cặn kẽ, thấu đáo.
Đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khóa học, các nhà hoạt động thực tiễn tham gia vào công tác này. Chú trọng việc đối thoại, tiếp nhận, giải đáp, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong thực thi chính sách, pháp luật.../.