Bộ Tư pháp tổ chức họp báo Quý III/2020

27/11/2020
Bộ Tư pháp tổ chức họp báo Quý III/2020
Ngày 27/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công tác tư pháp Quý III/2020 dưới sự chủ trì của Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, Người phát ngôn của Bộ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự.
Người phát ngôn của Bộ cho biết, trong thời gian vừa qua, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ và đã đạt được một số kết quả chủ yếu trong các lĩnh vực, đặc biệt đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2020, Báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết chất vấn, giám sát, Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc khóa XIV...
 
Nhiều sự kiện khác cũng đã được tổ chức thành công như: Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải; Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V giai đoạn 2015-2020 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất...
 

 
Từ đầu Quý III đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Bộ Tư pháp đã thẩm định 07 đề nghị xây dựng VBQPPL (01 đề nghị xây dựng luật, 06 đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ); 45 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (04 dự án luật; 30 dự thảo nghị định của Chính phủ; 08 dự thảo nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ); Đã kiểm tra 2.378 văn bản (gồm 185 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 2.193 văn bản của địa phương); đã phát hiện và ra Kết luận kiểm tra đối với một số văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL.
Trong 12 tháng năm 2020 (từ 01/10/2019 đến 30/9/2020), các cơ quan THADS 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã thi hành xong 576.933 việc/708.680 việc có điều kiện thi hành án, đạt tỉ lệ 81,41% (tăng 2,82% so với năm 2019), tương ứng thi hành xong trên 53.750 tỷ đồng, tăng  trên 1.035 tỷ đồng (tăng 1,96% so với năm 2019), đạt tỉ lệ 41,04% (tăng 5,61% so với năm 2019).
Các lĩnh vực của Bộ Tư pháp cũng đạt được nhiều kết quả như: Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung (của Bộ Tư pháp) đã triển khai áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang dần được hình thành với dữ liệu của 12.139.534 trường hợp đăng ký khai sinh; 2.771.264 trường hợp đăng ký kết hôn; 1.888.522 trường hợp đăng ký khai tử và gần 3.934.664 trường hợp đăng ký các sự kiện hộ tịch khác; Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật “Pháp luật học đường”. Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” là cuộc thi đầu tiên về kiến thức pháp luật được tổ chức ở quy mô toàn quốc theo hình thức thi trực tuyến trong học đường có số lượng thí sinh tham gia dự thi lớn nhất với gần 320.000 lượt thi cũng như có sự phối hợp giữa các Bộ: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
 

 
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp đã thông tin cho báo chí về Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” sắp diễn ra vào thứ Hai, ngày 30 tháng 11 năm 2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Số 11 Lê Hồng Phong, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Cương cho biết thêm, Hội nghị là diễn đàn trao đổi giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, một số địa phương, chuyên gia và nhà khoa học nhằm: Tiếp tục học tập, nghiên cứu để nhận diện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; khẳng định giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; Đánh giá thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của nước ta; Đề xuất nhu cầu, quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
 

 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) tại cuộc họp báo, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia cho biết, trước năm 2015 đây là vấn đề nan giải, khó khăn đặc biệt là cho những người ở nước ngoài muốn xin cấp phiếu LLTP (vì họ phải bắt buộc về Việt Nam xin cấp phiếu). Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ bản tình trạng chậm cấp phiếu đã được giải quyết, chỉ còn khoảng 2% chậm với những trường hợp án chưa rõ, có án tích nhưng khó xác minh… Ông cũng cho biết, sắp tới ngành Tư pháp sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này

 
Được hỏi về lĩnh vực công chứng, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, ngày 19/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng. Nghị quyết đã yêu cầu các địa phương rà soát, ban hành tiêu chí lập Văn phòng công chứng, phải đánh giá sự cần thiết của việc lập Văn phòng cũng như tính khả thi của việc lập Văn phòng. Việc thẩm tra thành lập phải được tiến hành chặt chẽ. Để triển khai Nghị quyết này, Bộ Tư pháp đang dự thảo Kế hoạch triển khai Nghị quyết và Công văn hướng dẫn địa phương các nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới để triển khai hiệu quả Nghị quyết này.
 

 
Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến nội dung từ năm 2023 sẽ bỏ sổ Hộ khẩu, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết, bỏ sổ Hộ khẩu không chỉ là ý chí của nhà nước mà còn là mong muốn của người dân. Theo ông, thời điểm bỏ sổ Hộ khẩu đã có sự nghiên cứu, tính toán của Bộ Công an cho phù hợp với thực tế. Khi bỏ sổ hộ khẩu, liên quan đến lĩnh vực hộ tịch có 37 thủ tục hành chính và 5 thủ tục liên quan lĩnh vực quốc tịch, Bộ Tư pháp đã có dự báo trước để rà soát xử lý khi quy định này có  hiệu lực trên thực tế…
An Như – Trung tâm Thông tin