Xây dựng chiến lược phát triển tầm nhìn dài hạn cho Trường Đại học Luật Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

26/11/2020
Xây dựng chiến lược phát triển tầm nhìn dài hạn cho Trường Đại học Luật Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Sáng nay (26/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì Hội nghị tổng kết Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đồng chủ trì Hội nghị.
Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” quy định 5 nhóm việc vụ và giải pháp để xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Từ khi đề án được phê duyệt đến nay, hai trường đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về: mở rộng quy mô kết hợp nâng cao chất lượng đào tạo luật; tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học pháp lý; phát triển đội ngũ giảng viên; tập trung phát triển cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy; tăng cường hợp tác, trao đổi trong đào tạo cán bộ pháp luật.
 

Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Quyết định số 549/QĐ-TTg cho biết, từ khi có Quyết định số 549/QĐ-TTg, hai trường đã nhận được sự quan tâm đầu tư về chủ trương, chính sách và tài chính từ Nhà nước cho các lĩnh vực hoạt động của hai trường, giúp hai trường luôn thuộc những cơ sở giáo dục luật chất lượng hàng đầu cả nước, bước đầu đạt được những mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.
Tổ chức bộ máy của hai trường được kiện toàn, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của Quyết định số 549/QĐ-TTg. Chấy lượng nguồn nhân lực tăng lên rõ rệt, bên cạnh việc trẻ hóa đội ngũ và tăng khả năng hội nhập quốc tế, nguồn lực giảng viên tăng nhanh về học hàm học vị, tạo nên thế mạnh cạnh tranh của mỗi trường.
 

Ngoài ra, quy mô và chất lượng đào tạo của hai trường ngày càng được cải thiện, phát triển, có chiều sâu và định hình theo những chuẩn mực cụ thể. Hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo quốc tế đã trở nên chuyên nghiệp hơn, số lượng công trình khoa học, sản phẩm nghiên cứu có giá trị ngày càng tăng đáng kể, công trình công bố quốc tế cũng tăng theo thời gian…
 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định, về cơ bản, trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh đến mục tiêu khi xây dựng đề án cho giai đoạn mới cần lưu ý đến 03 vấn đề chính, đó là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
 

 
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định, Hội nghị đã thống nhất đánh giá được mức độ đạt được của mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đưa ra. Qua đó, Bộ trưởng yêu cầu hai trường lưu ý, trong giai đoạn tiếp theo cần nâng cao chất lượng giảng viên, đặc biệt là giảng viên có thể giảng dạy các chương trình liên kết, hợp tác bằng Tiếng Anh tại Việt Nam và giảng dạy tại nước ngoài; hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học…“Sắp tới, các trường cần xây dựng chiến lược phát triển của mình, chiến lược đó phải dài hạn và có tầm nhìn xa hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 N.D