Sáng nay (30/10), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương đã chủ trì phiên họp Hội đồng khoa học Bộ góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tham dự phiên họp còn có thành viên Hội đồng khoa học cấp Bộ là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Phát biểu Khai mạc tại phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh đến mục đích tổ chức phiên họp là nhằm tiếp tục cho ý kiến sâu vào các dự thảo báo cáo, nhất là dự thảo báo cáo chính trị và dự thảo báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Để phiên họp đạt hiệu quả cao, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu dự họp tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các nội dung liên quan đến xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức, thực hiện pháp luật; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đấu tranh phòng chống tham nhũng; các vấn đề liên quan đến giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật…
|
|
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết, các dự thảo đã được chuẩn bị đặc biệt công phu, kỹ lưỡng, với hàm lượng trí tuệ cao. Các dự thảo đã đánh giá rõ những thành tựu mà đất nước chúng ta đã đạt được trong các thời kỳ lịch sử, nhất là trong 35 năm đổi mới, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội năm 2011 và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016-2020). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, các dự thảo đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém; phân tích, làm rõ nguyên nhân, đúc kết được các bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho chặng đường sắp tới.
Các nội dung liên quan tới tư pháp, pháp luật, nhà nước pháp quyền XHCN, về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã thể hiện khá đậm nét trong các bản dự thảo, nhất là trong dự thảo Báo cáo Chính trị, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Dự thảo Kế hoạch 05 năm 2021-2025. Nhìn chung, các đánh giá về thành tựu trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật cùng các điểm hạn chế, bất cập, nguyên nhân và định hướng cho giai đoạn tới, nhất là giai đoạn 2021-2030 thể hiện trong các dự thảo là có cơ sở lý luận và thực tiễn, nhất là phù hợp với các kết quả của quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, kết quả rà soát của Chính phủ đối với hơn 8000 văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua gửi Quốc hội đầu tháng 10/2020. Viện Khoa học pháp lý bày tỏ nhất trí hoàn toàn với nội dung các dự thảo nói trên và tham gia góp ý sâu về dự thảo báo cáo chính trị.
|
|
Tại cuộc họp, ý kiến của các nhà khoa học nhằm góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thể hiện tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, sâu sắc và đầy đủ. Theo đó, các thành viên trong Hội đồng khoa học đều đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo các văn kiện, đặc biệt trong xác định các định hướng, chủ trương, đường lối, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đất nước trong 05 năm, 10 năm tới và định hướng, tầm nhìn đến năm 2045. Các thành viên Hội đồng khoa học cho rằng, cần rà soát kỹ nội dung của các các văn kiện, cụ thể 04 dự thảo báo cáo nêu trên; đảm bảo tính thống nhất, đảm bảo không mâu thuẫn, loại bỏ nội dung mang tính chất chồng chéo giữa 04 báo cáo và ngay cả trong chính báo cáo đó. Bên cạnh đó, cần xác định đây là báo cáo nhiệm kỳ nên cần tập trung đánh giá nhiều hơn về nhiệm kỳ hiện tại và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới; đồng thời, rà soát kỹ đảm bảo sự chính xác của các thuật ngữ và cách diễn đạt trong báo cáo.
Về xây dựng Nhà nước pháp quyền, các nhà khoa học xác định, đây là nội dung quan trọng và bao trùm nên trong cách tiếp cận cần quát triệt sâu sắc hơn tư tưởng pháp quyền, các nguyên tắc hiến định quy định trong Hiến pháp 2013 khi đánh giá kết quả, xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp; đưa nội dung Nhà nước pháp quyền lên vị trí ưu tiên hơn; tư tưởng Nhà nước pháp quyền cần có nội hàm cụ thể hơn, chú trọng về cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đảm bảo công khai, minh bạch.
Về xây dựng hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, nhiều đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh hơn về tổ chức thi hành pháp luật, lấy hiệu quả thi hành pháp luật làm thước đo; tiếp cận chấp hành pháp luật là nghĩa vụ hàng đầu của các cơ quan Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chứ không chỉ còn là của tầng lớp nhân dân.
Về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, các ý kiến phát biểu tại phiên họp đề nghị xác định rõ hơn vị trí trung tâm của hoạt động xét xử, hệ thống tòa án trong thực hiện quyền tư pháp; đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án và có cơ chế để đảm bảo tính độc lập; nâng cao chất lượng của dịch vụ công. Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các đại biểu yêu cầu làm rõ nội hàm của thể chế kinh tế thị trường; nhận diện đầy đủ đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Về giáo dục đào tạo cần đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về kết quả, hạn chế, giải pháp trong từng lĩnh vực, trong đó chú trọng đến đào tạo nghề...
N.D