Sáng ngày 21/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam" nhằm đánh giá sơ bộ khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP). Hội thảo do ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Ann Mawe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành như Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, ...; đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ, Canada ...; các hiệp hội, tổ chức, như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EuroCham, KorCham, NordCham,Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội Khoa học và Kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng, Hiệp hội Ngân hàng ...; các Sở, ngành trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận;các chuyên gia, học giả và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định "
Để có thể hình thành và thúc đẩy thành công thực tiễn kinh doanh có trách nhiệm thì ngoài vai trò quan trọng của các doanh nghiệp và doanh nhân thì không thể thiếu vai trò của Nhà nước, các tổ chức xã hội, hiệp hội và mỗi người dân. Trong thời gian qua, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đưa ra các chủ trương, đường lối chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam... ".
Bà Ann Mawe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển cũng cho rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là việc hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế vì “
tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gây tổn hại đến phát triển xã hội hoặc môi trường”.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua cho thấy Việt Nam có cơ hội dẫn đầu trong vấn đề này và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn qua việc “
tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có trách nhiệm với người dân và môi trường, qua đó, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến phát triển bền vững”.
Sau bài giới thiệu của ông Syrya Deva (Đại học Hồng Kông) về xu hướng toàn cầu về hành vi kinh doanh có trách nhiệm, Hội thảo được chia thành 03 phiên. Phiên 1 về thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại ASEAN với các bài tham luận do ông Livio Sarandrea - chuyên gia UNDP, bà Nareeluc Pairchaiyapoom, Bộ Tư pháp Thái Lan và bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày. Phiên 2 về hành vi kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam do ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Công ty cổ phẩn dịch vụ Nghị lực sống và ông Kim Lindell - Giám đốc IKEA Việt Nam trình bày. Phiên 3 là phiên thảo luận, do ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì, cùng với ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp và Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Hải Hưng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Nghị lực sống.
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các thông tin, quan điểm, thực tiễn về xu hướng toàn cầu và trong khu vực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt là trong khu vực ASEAN và kinh nghiệm thực tiễn của Thái Lan trong việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; kết quả đánh giá sơ bộ khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam từ góc nhìn của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, người lao động, các tập đoàn đa quốc gia (MNCs); thực tiễn tốt (Good Practice) từ thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia từ ví dụ của IKEA… Các thông tin, tài liệu từ Hội thảo sẽ giúp Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, tham khảo để tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, Hội thảo cũng đã truyền tải được thông điệp đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu quốc tế và Việt Nam đều thống nhất quan điểm cần có các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; trong đó, hệ thống pháp luật là nền tảng vững chắc để bắt đầu xây dựng một kế hoạch thống nhất và phối hợp thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam. Các đại biểu mong muốn được tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp để đề xuất và thực hiện các giải pháp này trong thời gian tới./.
Ảnh: Nguồn UNDP