Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực trẻ em

19/10/2020
Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực trẻ em
Hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề “Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em” vào sáng nay, (19/10). Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế.

 
Cùng với những nỗ lực hoàn thiện và tổ chức thi hành chính sách pháp luật về trẻ em, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác cũng có quy định về bảo vệ trẻ em như Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, các nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền trẻ em. Các cam kết quốc tế này đã và đang được Việt Nam tổ chức thực hiện trong hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp mong muốn cùng các cơ quan, tổ chức, các đồng nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững cũng như yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 
Chương trình Phiên thảo luận được diễn ra với 02 nội dung chính, như sau: Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em theo yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam; Phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực đối với trẻ em tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận đã trao đổi, thảo luận tích cực và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực đối với trẻ em.
N.Dung