Hội thảo "Xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh"

27/12/2010
Hội thảo "Xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh"
Sáng 27/12/2010, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo "Xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh". Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, VNCI, VCCI, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và 12 cơ quan tư pháp ở địa phương. Hội thảo sẽ diễn ra trong ngày 27 và buổi sáng ngày 28/12/2010.

Được sự hỗ trợ của UNDP trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền", Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh (Provincial Justice Index – PJI) để thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương. Thông qua phương thức đánh giá bằng công cụ là Bộ Chỉ số sẽ góp phần giúp cho tư pháp địa phương đánh giá hiệu quả hoạt động của mình, từ đó sẽ tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy vai trò của các cơ quan này trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Trong công cuộc cải cách hành chính, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức của Chính phủ rất được coi trọng ở nhiều nước, trở thành một công việc quan trọng nhằm khắc phục chủ nghĩa quan liêu, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Thông qua đánh giá, công chúng có thể có được sự lựa chọn chính xác, tạo ra sức ép đối với tổ chức công và công chức, buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác. Việc đánh giá hiệu quả của các cơ quan nhà nước sẽ tạo ra sự so sánh theo chiều ngang - chiều dọc và không khí cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác, thật sự chuyển từ chức năng cai trị sang chức năng phục vụ.

 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số hiệu quả quản lý hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng như được nghe nhóm chuyên gia trình bày mục tiêu, phạm vi, đối tượng xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh.

Việc xây dựng Bộ Chỉ số có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương, ghi nhận vai trò của cơ quan này trong quá trình quản lý xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, quá trình và kết quả đánh giá sẽ góp phần khẳng định vị trí của cơ quan tư pháp trong tổ chức bộ máy hoạt động của chính quyền địa phương. Mục tiêu của việc xây dựng Bộ Chỉ số: Thứ nhất, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp ở địa phương, thúc đẩy vai trò của các cơ quan này trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, bảo vệ các quyền của người dân; Thứ hai, thông qua quá trình xây dựng Bộ Chỉ số góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa của các cơ quan tư pháp ở địa phương. Thứ ba, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của các cơ quan này, thu hút mối quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương và nâng cao vị thế của các cơ quan tư pháp trong hệ thống các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân.

 

 

Về phạm vi đánh giá khi xây dựng PJI: Theo quy định hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương rất đa dạng, phong phú, nếu đánh giá tất cả thì khá rộng và phức tạp, do vậy khó có thể đánh giá theo từng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, khi xác định phạm vi hay lựa chọn một số lĩnh vực để đánh giá thì phải đảm bảo các yêu cầu sau: (i) Phạm vi đánh giá cần giúp đạt được mục tiêu đánh giá và mục tiêu xây dựng Bộ Chỉ số; (ii) Phạm vi đánh giá cần đảm bảo tính khách quan; (iii) Phạm vi đánh giá cần bảo đảm thúc đẩy toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương.

Các đối tượng có thể khảo sát nhằm thu thập những đánh giá, cảm nhận về hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương là: người dân; cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp địa phương; cán bộ, công chức của các cơ quan, tổ chức khác.

Ngọc Khánh