Kết quả khảo sát, điều tra tình hình thi hành pháp luật tại Thái Lan

20/12/2010
Kết quả khảo sát, điều tra tình hình thi hành pháp luật tại Thái Lan
Ngày 30/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL).

Mục tiêu của việc xây dựng và thực hiện Đề án là tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi chung tình hình THPL của Bộ Tư pháp theo quy định của Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc theo dõi tình hình THPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như việc bảo đảm THPL trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các hoạt động được phân công, trong đó có hoạt động điều tra, khảo sát nước ngoài về quản lý THPL nói chung và THPL về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nói riêng. Ngày 02/12/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 2807/QĐ-BTP thành lập Đoàn liên ngành đi công tác tại Thái Lan và Singapore từ ngày 12/12/2010 đến ngày 19/12/2010. Thành phần của Đoàn gồm có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội Vụ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng và Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An. Ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp được cử làm Trưởng Đoàn.

Tại Thái Lan, trong hai ngày 13 và 14/12/2010, Đoàn đã làm việc với Cục điều tra đặc biệt (Department of Special Investigation) thuộc Bộ Tư pháp; Vụ quản lý thực phẩm và thuốc (Food and Drug Administration) thuộc Bộ Y tế; Tòa án hình sự Bangkok; Tòa án dân sự Bangkok; Viện Công tố (Attorney General). Đoàn xin giới thiệu một số kết quả thu được trong 02 ngày làm việc tại Thái Lan liên quan đến việc bảo đảm thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

1. Bảo đảm thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường:

a) Pháp luật liên quan đến môi trường:

Thái Lan là một trong những quốc gia tham gia hầu hết các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường.

Một số điều ước quốc tế quan trọng mà Thái Lan là thành viên là: Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường nhân loại năm 1972 ký tại Stockhom (hay còn gọi là Tuyên bố Stockhom), Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển năm 1992 tại Rio De Janeiro (hay còn gọi là Tuyên bố Rio), Công ước Viên về Các chất làm mỏng tầng ozon và Nghị định thư Montreal, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Để thực hiện các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, Thái Lan nội luật hóa nội dung của các điều ước quốc tế đó vào trong các văn bản pháp luật quốc gia như Luật Nâng cao và Duy trì chất lượng môi trường quốc gia, Luật Bảo vệ rừng, Luật Bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã, Luật Thủy sản, Luật về Nhà máy, Luật Sức khỏe cộng đồng, Luật về Các chất độc hại…

Bên cạnh việc ban hành các đạo luật để thực hiện các điều ước quốc tế về môi trường, Thái Lan còn thành lập một cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường là Cơ quan Môi trường quốc gia.

b) Giải pháp để bảo vệ môi trường:

- Thái Lan cho rằng nghĩa vụ bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, do vậy Chính phủ nước này hết sức khuyến khích công chúng tham gia giải quyết các vấn đề về môi trường. Nhằm thực hiện chủ trương này,  Thái Lan duy trì một hệ thống thông tin minh bạch để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về môi trường.

- Theo quy định của pháp luật Thái Lan, các dự án trước khi triển khai thực hiện, bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường. Chủ dự án phải bảo đảm dự án không gây tác hại cho môi trường.

- Hiện nay Thái đang xây dựng một công cụ gọi là GIS/GPS để những người dân thường có thể thông qua hệ thống này phát hiện hành vi lấn chiếm khu vực đất đai của quốc gia và thông báo cho Cục điều tra đặc biệt để tiến hành điều tra.

c) Xử lý vi phạm về môi trường:

Các vụ việc vi phạm quy định pháp luật về môi trường ở Thái Lan được xử lý rất nghiêm khắc và kịp thời. Các vụ việc này được chia làm 3 loại: vụ việc dân sự, vụ việc hình sự và vụ việc hành chính. Xin nêu 3 vụ việc điển hình về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Thái Lan sau đây:

- Vụ án dân sự:

Klity là tên của một làng ở phía Tây của Thái Lan, giáp Mianma. Người dân sinh sống ở khu vực này là thổ dân. Một công ty khai thác chì đã gây ô nhiễm cho dòng sông là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân ở khu vực này. Người dân sống ở đây không biết dòng sông đã bị ô nhiễm chì cho nên vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước từ con sông. Một số phụ nữ đã bị đẻ non. Có nhiều đứa trẻ ra đời bị quái thai. Hiệp hội luật sư Thái Lan đã đứng ra giúp người dân yêu cầu Công ty bồi thường. Tuy nhiên, Công ty này không đồng ý bồi thường và do đó các luật sư đã kiện ra Tòa với yêu cầu bồi thường hơn 4 triệu bạt. Trên thực tế, số tiền này là quá nhỏ so với hậu quả mà người dân phải chịu đựng. Chính vì vậy, người dân yêu cầu tăng tiền bồi thường nhưng Công ty không đồng ý. Tại phiên tòa phúc thẩm khu vực 7, thẩm phán đã quyết định sửa đổi bản án và yêu cầu bên Công ty bồi thường cho những người bị hại hơn 29 triệu bạt, nhưng Công ty không đồng ý. Vụ việc hiện nay đang tiếp tục được giải quyết tại Tòa án tối cao.

- Vụ án hình sự:

Công ty Koh Yao là một trong số các nhà máy ở Samutprakarm không tuân thủ quy định của pháp luật về việc cấm sử dụng đất công một cách tự do; không được chặt cây hoặc phá hoại môi trường ở các khu vực này. Cuối cùng, công ty bị phạt tiền và giám đốc công ty phải vào tù.

- Vụ án hành chính:

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp Chính phủ chậm thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật thì cũng có thể bị kiện. Cục kiểm soát ô nhiễm có trách nhiệm nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết đối với một công ty, tuy nhiên thực tế Cơ quan này đã làm quá chậm dẫn đến các dòng sông ở đây bị ô nhiễm. Cơ quan này bị kiện ra Tòa án hành chính và Tòa đã ra phán quyết yêu cầu Cục kiểm soát ô nhiễm phải bồi thường.

   

2. Bảo đảm thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm:

- Cơ quan quản lý:

Bộ trưởng Bộ Y tế là người chịu trách nhiệm cao nhất trong Chính phủ về an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Bộ Y tế có thẩm quyền ban hành các quy định về an toàn thực phẩm. Bộ trưởng đã thành lập một Ủy ban để giúp Bộ trưởng nghiên cứu, xem xét và dự thảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc (FDA), Bộ Y tế. Chức năng cơ bản và chủ yếu của Vụ là quản lý thuốc và chất lượng thực phẩm khi được đưa ra thị trường để tiêu dùng. Vụ có một số nhiệm vụ như cấp đăng ký cho tất cả các loại thực phẩm; theo dõi việc mua bán thực phẩm đó trên thị trường và đến người tiêu dùng; phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân; đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các quy định cụ thể về mức độ an toàn của thực phẩm.

- Cơ sở pháp lý điều chỉnh lĩnh vực an toàn thực phẩm:

Luật Thực phẩm Thái Lan được ban hành năm 1979 là cơ sở pháp lý nhất cho việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm ở Thái Lan.

Luật quy định một số khái niệm về an toàn thực phẩm, trao quyền cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và trách nhiệm thực hiện của các cơ quan này. Luật cũng quy định những cán bộ nào có trách nhiệm theo dõi các cơ sở sản xuất để yêu cầu thực hiện hay không thực hiện các công việc cụ thể để phù hợp với mục đích bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

Theo quy định của Luật thì 3 nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm là Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, trong đó có nhóm cán bộ lưu động, kiểm tra tại chỗ; những nhà sản xuất và người tiêu dùng.

- Nội dung quản lý về an toàn thực phẩm:

Việc quản lý về an toàn thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm khi được đưa ra thị trường dựa trên tiêu chuẩn về mặt tiêu dùng. Công tác quản lý về an toàn thực phẩm tập trung vào 3 nội dung: địa điểm sản xuất, chế biến sản phẩm, thực phẩm; loại sản phẩm và việc quảng cáo sản phẩm, nhất là đối với cơ sở nhập khẩu và sản xuất thực phẩm.

- Cơ chế bảo đảm thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm:

+ Một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm là dựa trên tiêu chí mức độ rủi ro. Theo quy định của pháp luật Thái Lan thì thực phẩm được chia thành 4 nhóm riêng biệt, cụ thể là: (i) Nhóm được quản lý chuyên biệt (có độ rủi ro cao). Nhóm này cần có sự theo dõi riêng, chẳng hạn các sản phẩm đóng hộp, các sản phẩm dùng cho trẻ  em. Nhóm này có 14 loại sản phẩm; (ii) Nhóm được quản lý theo tiêu chuẩn (có độ rủi ro thấp hơn); (iii) Nhóm có độ rủi ro hầu như không có nhưng vẫn cần theo dõi và (iv) Nhóm không cần quan tâm đến độ rủi ro.

+ Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, việc quảng cáo trên thực phẩm được quản lý rất chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh muốn bán sản phẩm của mình ra thị trường phải đăng ký để Bộ Y tế (Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc) công nhận và cho phép. Khi đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp một dãy mã số tương ứng. Dãy mã số này cho các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh doanh khác, người dân biết các thông tin liên quan đến sản phẩm được tung ra thị trường như địa điểm nhà máy nơi sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ quan/đơn vị/cán bộ cấp đăng ký, thứ tự của sản phẩm trong Danh mục sản phẩm mà cơ quan quản lý giữ và số giấy phép.

+ Kiểm tra và theo dõi an toàn và chất lượng sản phẩm tại Bangkok do Bộ Y tế (Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc) trực tiếp thực hiện. Tại các tỉnh, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm do các văn phòng của Bộ Y tế đặt tại các tỉnh đó thực hiện. Tổng số cán bộ thực hiện công việc này khoảng 200 người.

Thái Lan thành lập một Ủy ban theo dõi việc bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ quan này có vị trí, cơ cấu, nhiệm vụ giống như một bộ trong Chính phủ. Ủy ban có trách nhiệm chuẩn bị, lập báo cáo trình Quốc hội và Hội đồng Chính phủ. Ủy ban có quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan quan báo cáo tình hình, đặc biệt là các vụ việc quan trọng. Ủy ban có quyền yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo. Báo cáo định kỳ do Bộ Y tế thực hiện theo quy định của pháp luật nói chung về an toàn thực phẩm.

Thái Lan có một bộ phận cán bộ lưu động, thực hiện việc kiểm tra ngẫu nhiên tại các địa điểm tiêu dùng, chế biến thực phẩm hoặc bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Bộ phận này có mặt ở tất cả các tỉnh và thường xuyên cung cấp thông tin vào hệ thống thông tin toàn quốc do Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc tổng hợp, xử lý. Thái Lan còn duy trì đường dây nóng 1556 để tiếp nhận và cung cấp cho người dân các thông tin về an toàn thực phẩm bất cứ thời gian nào; đồng thời, xây dựng và duy trì Hệ thống cảnh báo thực phẩm Thái Lan (FAST).

+ Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, kể cả các tổ chức ngoài nhà nước trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế là cơ quan thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Các bộ có liên quan như Bộ Nông nghiệp hay Bộ Thương mại thực hiện các chức năng, nhiệm vụ có liên quan khác. Chẳng hạn: Bộ thương mại chỉ quản lý về giá cả; Bộ Nông nghiệp chủ yếu quản lý quy trình sản xuất trong ngành nông nghiệp. Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính, quản lý độ rủi ro về chất lượng sản phẩm, ở đây là chất lượng tiêu dùng do Bộ Y tế đưa ra, nếu không đảm bảo thì không được phép bán ra thị trường.

Kiểm tra chất lượng của sản phẩm sẽ do các bộ, ngành thực hiện. Các ngành chỉ thực hiện việc xét nghiệm về mặt chuyên môn khi nhận được mẫu từ Bộ Y tế. Chỉ các cơ sở xét nghiệm của nhà nước mới được quyền thực hiện việc xét nghiệm. Cơ sở được phép xét nghiệm là các viện, trường đại học và các cơ sở khác đạt tiêu chuẩn được nhà nước công nhận.

+ Xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Khi có cơ sở vi phạm, Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc có quyền phạt tiền, nếu vi phạm là nghiêm trọng thì chuyển cho công tố viên để đề nghị tòa án phạt tù. Trong lĩnh vực an toàn thực  phẩm, Vụ Quản lý thực phẩm và thuốc có nhiệm vụ giống như cơ quan công an chuyên ngành, điều tra trước khi chuyển vụ việc sang công tố viên. Điều này được pháp luật quy định cụ thể.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp