Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2011: Củng cố thành quả, đột phá tương lai

23/12/2010
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2011: Củng cố thành quả, đột phá tương lai
Như tin đã đưa, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2011 đã được long trọng khai mạc tại TP.Đà Nẵng, với sự tham dự của ông Hoàng Nghĩa Mai – Phó Viện trưởng VKSNDTC, ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Doãn Văn Thắng – Vụ trưởng Vụ 1A (UBKT TƯ Đảng), ông Phạm Tuấn Khải – Vụ trưởng Vụ PL (VPCP), ông Nguyễn Văn Thảo – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, ông Đàm Xuân Toan – Phó Chủ tịch Hội Luật gia VN, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng hơn 400 đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp và Cục THADS, tổ chức pháp chế Bộ, ngành trên cả nước.

Năm 2010 là năm đầy ắp những sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc; năm ghi dấu ấn sâu sắc trong chặng đường 65 năm ngành Tư pháp bền bỉ, nỗ lực, trung thành, tận tụy phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và đạt được những thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và trao tặng Huân chương Sao Vàng. Những kết quả đã đạt được đó sẽ là “điểm tựa” vững chắc để toàn ngành Tư pháp và THADS triển khai công tác cho giai đoạn mới, phát huy và khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của Ngành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo kết quả công tác năm 2010, gắn với giai đoạn 2007-2010 do Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên trình bày tại Hội nghị đã nêu bật những thành tựu, sáng kiến, điểm mới và cả những khó khăn, tồn tại, hạn chế của công tác Tư pháp và THADS. Từ đó, chỉ ra những nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo, cũng như xây dựng Chương trình công tác Tư pháp năm 2011.

Để đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề cần tháo gỡ trong hoạt động bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp, Hội nghị cũng đã thảo luận về các nội dung về triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp, Nuôi con nuôi và những biện pháp triển khai thi hành Luật này, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

Song song với công tác Tư pháp, Hội nghị triển khai công THADS năm 2011 cũng đã được tổ chức với việc thảo luận các chuyên đề về những vấn đề của lĩnh vực này./.

Nhóm Phóng viên

Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng: Ngành Tư pháp đã có nhiều đột phá và ý tưởng mới

“Trong những năm qua, ngành Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, phối hợp với các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp gắn liền với cải cách hành chính trên phạm vi cả nước, từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tư pháp, đổi mới căn bản về công tác hành chính tư pháp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đưa các nội dung pháp luật đến tận cơ sở, đảm bảo việc tuân thủ và thi hành pháp luật, góp phần làm chuyển biến nhận thức và nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

Đặc biệt, với những ý tưởng mới và đột phá, ngành Tư pháp đã cho thấy quan điểm đúng đắn trong việc đề xuất xã hội hóa một số hoạt động của ngành tư pháp, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.”

Ông Doãn Văn Thắng - Vụ trưởng Vụ TƯ 1A - UBKT TƯ: Nên tập trung tham mưu giải pháp chấn chỉnh

“Kết quả công tác năm 2010 của ngành Tư pháp thể hiện sự cố gắng của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, nhất là việc tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong xây dựng quan điểm, đường lối chỉ đạo xây dựng pháp luật; tham mưu Quốc hội, Chính phủ xây dựng pháp luật. Theo tôi, cần đặc biệt cần nhấn mạnh những nhiệm vụ đạt thành tựu nổi bật trong thời gian qua như công tác thẩm định số lượng VBQPPL, ngành Tư pháp đã phát hiện những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, triển khai công tác tổ chức ngành THADS, thực hiện luật THADS.

Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả năm 2010, cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tham mưu về giải pháp chấn chỉnh, hạn chế những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, THADS là lĩnh vực còn nhiều bức xúc do nhiều nguyên nhân nhưng cần quan tâm khắc phục các nguyên nhân chủ quan để tăng cường hiệu quả công tác này.”

Ông Phạm Tuấn Khải - Vụ trưởng Vụ Xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ: Bộ Tư pháp đã chủ động

“Năm 2010 công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ nói chung, bộ ngành nói riêng đạt những thành tích đáng kể, đặc biệt, trong xây dựng, trình các dự án Luật trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét trình Quốc hội. Kết quả này cũng nhờ sự phối hợp tốt giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Tư pháp trong đôn đốc thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh và chương trình Nghị định.  Chưa có năm nào chương trình Nghị định của Chính phủ lại được giải quyết nhanh, quyết liệt như năm vừa rồi.

Trước hết, trong lập Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Bộ Tư pháp với vai trò Cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật đã chủ động đề nghị các Bộ, ngành đưa nội dung chương trình để Bộ tổng hợp cùng với VPCP xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng ký trình Quốc hội, UBTVQH trong cả năm (và đến nay đã có Chương trình cho năm 2011)

Thứ 2 là trong năm vừa qua, Bộ và Văn phòng Chính phủ cũng đã kiên quyết hơn so với những năm trước, kiên quyết đưa ra khỏi Chương trình những dự án luật chưa cần thiết hoặc không rõ tư tưởng chỉ đạo, tránh tình trạng đưa vào, rồi lại xin rút ra, ảnh hưởng tiến độ và chất lượng văn bản

Một điểm nữa là năm nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ hơn trong xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật. Thủ tướng luôn yêu cầu Bộ Tư pháp, VPCP trong quá trình xây dựng Luật, pháp luật có vấn đề gì phải báo cáo ngay, và cũng yêu cầu các Bộ ngành (cơ quan soạn thảo) trình các dự án Luật khi chuyển sang QH, UBTVQH phải kịp thời phối hợp với các cơ quan của QH, khi có những ý kiến khác nhau phải báo cáo lại Thủ tướng, thường trực Chính phủ để đảm bảo chất lượng văn bản.”                                                    

Xếp hạng Sở Tư pháp năm 2010: 8 đơn vị đạt hạng A

Hôm qua (22/12), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký ban hành Quyết định về việc “Xếp hạng Sở Tư pháp năm 2010”. Theo đó, trong năm 2010, chỉ có 8 Sở Tư pháp được xếp hạng A (hạng xuất sắc) là Bến Tre, Cà Mau, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Tiền Giang. 50 Sở Tư pháp đạt được hạng B (hạng khá); 4 đơn vị được xếp vào hạng C (hạng trung bình) và chỉ có một đơn vị thuộc hạng D (hạng yếu).

Nhiều tiếng nói tâm huyết từ Hội nghị

Ông Phan Hồng Sơn - Giám đốc STP TP. Hà Nội:

“Công tác tư pháp chưa được nhìn nhận là thiết chế quan trọng, là nguyên nhân trực tiếp góp phần hoàn thiện thành tựu KTXH của địa phương. Đặc biệt năm qua, công tác THADS đã đạt nhiều thành tích đã góp phần nhìn nhận tốt hơn về kết quả công tác tư pháp.

Bên cạnh đó, năm 2010 có nhiều nhiệm vụ bổ sung cho ngành tư pháp, nhưng để triển khai ở địa phương còn bất cập. Điển hình như công tác theo dõi thi hành PL có văn bản hướng dẫn triển khai nhưng thiết chế lại chưa rõ về phương pháp, cách làm, phối hợp xử lý công việc... nên vẫn khó thực thi. Hà Nội đã trao nhiệm vụ này cho phòng kiểm tra văn bản, bổ sung nhân sự, trách nhiệm quản lý. Tuy có triển khai thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật nhưng vẫn chưa thể “định hình”.

Công tác giám định tư pháp cũng chưa có cơ chế để đảm bảo vận hành bài bản. Công tác bán đấu giá tài sản cũng còn nhiều bất cập về lực lượng đấu giá viên. Hà Nội có 31 tổ chức hành nghề đấu giá, hơn 100 ĐGV, nhưng rà lại thì không nhiều ĐGV có thể tham gia đấu giá đất - tài sản đặc biệt, mà cần được đào tạo, nhưng đến nay mới bắt đầu mở lớp. Do vậy, Hà Nội đã phải có văn bản cá biệt để “giãn” thời gian mới “trôi” hết những việc còn tồn đọng.

Trong năm tới, công tác xây dựng và thi hành PL cần được làm rõ, tập trung trong thời gian tới. Có thiết chế bảo đảm xây dựng các chủ trương, chính sách, VB làm điểm quản lý đảm bảo năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Khi theo dõi thi hành PL thì cần qui định quyền dừng các việc sai, kiến nghị xử lý mới có hiệu quả thiết thực. Nên rút gọn thời gian một số thủ tục hành chính, xây dựng tư pháp cơ sở với trọng tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chức danh để CB có quyền thực tế giải quyết công việc với dân để “dân được nhờ”.

Bùi Văn Xuyền - Phó Giám đốc STP Thái Bình:

Là địa phương sau cùng chuyển giao chứng thực hợp đồng về VPCC vì cả tỉnh chỉ có 1 PCC và 2 VPCC ở TP. Thái Bình. Mặc dù tỉnh đã phê duyệt đề án hành nghề công chứng ở địa phương nhưng nguồn thu từ hoạt động công chứng rất hạn chế, không đủ chi phí cho hoạt động văn phòng nên không phát triển được tổ chức công chứng. Nếu VPCC không thể xã hội hóa được sẽ học tập Tây Ninh là thành lập phòng công chứng không dùng ngân sách nhà nước, mà tự thu tự chi.

Một vấn đề khó cho Thái Bình là qui định đấu giá viên hoạt đông tự do nên Sở rất khó kiểm tra. Nhưng nếu xảy ra hậu quả thì GĐ STP phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, thường là luật sư, cán bộ nghỉ hưu chuyển sang làm đấu giá viên nên tuổi cao, khó phát triển.”

Bà Ngô Thị Minh Hồng - Giám đốc STP TP. HCMinh:

“Công tác kiểm tra thực thi pháp luật nên được tập trung ngay vào các cơ quan nhà nước vì nhà nước thi hành tốt rồi yêu cầu địa phương, người dân thực hiện được.

Đối với công tác PBGDPL làm nhiều năm nhưng đang đi vào “lối mòn”, nhất là hiệu quả của tủ sách pháp luật (TSPL). Do vậy, cần đánh giá hiệu quả TSPL cấp xã – vốn chỉ là nơi chỗ để CB cấp xã mượn sách, kiện tụng, chứ người dân không ai mượn... Trong báo cáo chưa đưa ra giải pháp cụ thể cho vấn đề đổi mới công tác PBGDPL và quản lý TSPL. Theo tôi, không phải do chưa có luật mà do cách làm chưa theo kịp thực tiễn. Dự kiến năm tới, TP. HCM sẽ phải xây dựng đề án đổi mới công tác này phù hợp tình hình địa phương, hiệu quả”./.