Hội nghị toàn quốc ngành Tư pháp: Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò công tác tư pháp

22/12/2010
Hội nghị toàn quốc ngành Tư pháp: Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò công tác tư pháp
Hôm nay (22/12), hơn 400 đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp, các Cục THADS, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã cùng gặp gỡ tại TP.Đà Nẵng để nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan nhằm khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được; ghi nhận những cách làm mới, hiệu quả cần nhân rộng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các mặt công tác năm 2010, giai đoạn 2007-2010, và đề ra phương hướng công tác Tư pháp giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2011.

Những bước tiến dài

Tại “Ngày hội lớn” hôm nay, những người con của Tư pháp và THADS trên khắp mọi miền đất nước đã cùng gặp gỡ tại TP.Đà Nẵng để chia sẻ buồn vui sau 365 ngày lao động hết mình cho sự nghiệp Tư pháp.

Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại chặng đường 4 năm nhiệm kỳ 2007-2010 mà ngành Tư pháp và THADS đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, “viết lên” được hai chữ “Tư pháp” một cách rõ ràng, đậm nét hơn trong mỗi dấu ấn phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

Dư âm niềm tự hào từ lễ Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Sao Vàng cộng hưởng với không khí toàn ngành thi đua tích cực hướng tới Đại hội Đảng XI càng tô đậm ý nghĩa của Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và giai đoạn 2007-2010.

Hân hoan trước những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2010 và giai đoạn 2007-2010, hơn 400 đại biểu của ngành Tư pháp và THADS sẽ cùng đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan nhằm khẳng định những kết quả; ghi nhận những cách làm mới, hiệu quả cần nhân rộng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các mặt công tác của chặng đường 4 năm “lao tâm khổ tứ” để gặt hái những thành tích vượt bậc so với những giai đoạn trước đây.

Trong năm 2010, cùng với các bộ, ngành TƯ và địa phương, Ngành Tư pháp đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Toàn Ngành đã chủ động triển khai trên tất cả các lĩnh vực công tác và đạt được nhiều kết quả nổi bật so với giai đoạn 2001 - 2006.

Năm 2010, trên tất cả các mặt công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bổ trợ tư pháp, ĐKGDBĐ, PBGDPL, TGPL, hành chính tư pháp, nuôi con nuôi, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cải cách hành chính và tư pháp, THADS, hợp tác quốc tế... đều đạt được kết quả nhất định. Trong đó, một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn so với năm 2009.

Kết quả công tác Tư pháp và THADS năm 2010, cùng các năm trước tạo nên “bức tranh” công tác Tư pháp giai đoạn 2007 - 2010 với các đường nét nổi bật chính là những nỗ lực của các cán bộ, công chức ngành Tư pháp và THADS khi quyết tâm vượt qua các rào cản, nới dần những “điểm nghẽn” bằng các biện pháp đột phá, nhất là ở địa phương, huy động mọi nguồn lực, triển khai một số lĩnh vực công tác mới, tạo nhiều chuyển biến tích cực để vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và pháp lý của đất nước tiếp tục được khẳng định, ngày càng củng cố vị thế của Ngành từ TƯ đến địa phương.

Chủ động vượt khó

Có thể thấy rằng, đó là kết quả rất cụ thể của việc Ngành Tư pháp đã tiến hành triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác, bám sát ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, toàn Ngành Tư pháp đã có sự trưởng thành, gắn bó hơn với nhiệm vụ chung của đất nước, phối kết hợp tốt hơn, chủ động hơn với các Bộ, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả công tác đã có những đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân.

Tuy nhiên, công tác tư pháp năm 2010 nói riêng và giai đoạn 2007-2010 nói chung cũng không tránh khỏi những hạn chế, tồn tại vì số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của Ngành Tư pháp trong nhiệm kỳ 2007 - 2010 khá nhiều, trong khi đó biên chế, kinh phí phục vụ còn hạn chế, nhất là công tác xây dựng VBQPPL, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các nhiệm vụ của Ngành.

Tính chủ động trong việc triển khai công việc của các đơn vị thuộc Bộ cũng như địa phương vẫn chưa cao, còn tư tưởng phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, của Trung ương; công tác phối hợp cả trong và ngoài Ngành thời gian qua đã được tích cực tăng cường và mở rộng, tuy nhiên chất lượng phối hợp trong triển khai công việc còn chưa cao, phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác; việc đề xuất kế hoạch công tác từ đầu năm còn chưa sát thực tế, dẫn đến một số nhiệm vụ xin lùi thời điểm hoàn thành hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ, nhất là trong công tác xây dựng các VBQPPL thuộc thẩm quyền của Bộ, Ngành...

Khó khăn luôn đồng hành cùng thành tựu trên từng chặng đường phát triển của ngành Tư pháp. Điều đó minh chứng cho nội lực mạnh mẽ của ngành Tư pháp và tâm huyết của những con người đang ngày đêm cống hiến, trăn trở gây dựng nên nội lực đó, nhất là trong 4 năm qua.

Hôm nay, nhìn lại 4 năm nỗ lực, các đại biểu của ngành Tư pháp và THADS sẽ cùng rút ra các bài học kinh nghiệm từ kết quả công tác, rồi phân tích, đưa ra các giải pháp để định hướng cho công tác Tư pháp năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 đạt những kết quả tích cực hơn nữa, khẳng định thêm vị trí, vai trò không thể thiếu của ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế xã hội và xây dựng NNPQ XHCN./.

Hương Giang

Kết quả THADS năm 2010 cao nhất trong giai đoạn 2007 - 2010; toàn Ngành THADS đã thi hành xong 351.373 việc/406.896 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 86,35 % (vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 6,35% - tăng 5,3 % so với năm 2009); về tiền, đã thi hành xong 8.301 tỷ 320 triệu 561 nghìn đồng (tăng 1.679 tỷ 584 triệu đồng so với năm 2009), đạt tỷ lệ 80,10% số tiền có điều kiện thu (vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 20,10% - tăng 9,6 % so với năm 2009).

Hoàn thành việc rà soát tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc miễn thi hành án thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thi hành Luật THADS được 27.977 việc, với số tiền là 4 tỷ 857 triệu 659 nghìn 88 đồng.

Từ ngày 01/7/2010 đến ngày 12/10/2010, Bộ Tư pháp đã nhận được 327 thông tin lý lịch tư pháp của người bị kết án do các Sở Tư pháp trên cung cấp. Căn cứ báo cáo của 10/63 tỉnh, các Sở Tư pháp đã thực hiện cấp 7.709 phiếu, trong đó có 6963 phiếu cho công dân Việt Nam và 746 phiếu cho người nước ngoài.

Theo số liệu thống kê hộ tịch trong nước (tính từ ngày 01/10/2009 - tháng 31/9/2010) thì tổng số việc đăng ký khai sinh: 1.400.563 trường hợp; kết hôn: 642.999 trường hợp; khai tử: 327.811 trường hợp; giám hộ: 275 trường hợp; nhận cha mẹ con: 10.834 trường hợp; thay đổi, cải chính hộ tịch: 35.020 trường hợp; cấp lại bản chính: 40.138 trường hợp.

Năm 2010, Bộ Tư pháp đã soạn thảo và phối hợp hoàn chỉnh 25/29 văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 43/108 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành. Giai đoạn 2007 - 2010, Bộ đã soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng 82 văn bản, đề án.

Năm 2010, các cơ quan Tư pháp địa phương trong toàn quốc đã chủ trì soạn thảo, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 9.972 VBQPPL; phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 14.908 VBQPPL. Cả giai đoạn 2007 - 2010, các cơ quan Tư pháp địa phương cũng đã chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng 91.564 VBQPPL

Năm 2010, công tác thẩm định, góp ý được nâng cao về chất lượng, quy trình bài bản hơn so với nhiệm kỳ trước và được nghiêm chỉnh thực hiện theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND. Quy trình thẩm định được ban hành và triển khai thực hiện ở Bộ, tổ chức pháp chế bộ, ngành và nhiều Sở Tư pháp. Toàn Ngành đã thẩm định, có ý kiến đối với 22.480 đề án, văn bản/ 31.038 đề án, văn bản đã ban hành, đạt tỷ lệ 72,43%. Cả giai đoạn 2007 - 2010, toàn Ngành đã thẩm định, có ý kiến 110.976 đề án, văn bản/ 115.047 văn bản, đề án đã ban hành, đạt tỷ lệ 96,46%.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, bên cạnh những mặt đã làm được thì Chương trình xây dựng VBQPPL hàng năm do các cơ quan Tư pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chưa toàn diện, đồng bộ, thiếu dự báo mang tính chiến lược và sự ưu tiên trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội; Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng Luật, Nghị định chờ văn bản hướng dẫn thực hiện. Giai đoạn 2007 - 2010, tình trạng  ”rừng” VBQPPL đã được giảm tải song vẫn còn chưa thực sự hạn chế tối đa lượng văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành; Công tác đánh giá tác động, dự báo các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật chưa tốt.