Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp

24/12/2010
Hôm nay (24/12), tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp (GĐTP) nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, những bất cập, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đổi mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác GĐTP trong thời gian tới, phục vụ cho việc xây dựng Dự án Luật GĐTP và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác GĐTP theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua đó, tạo sự chuyển biến thật sự trong công tác GĐTP trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng và nhu cầu của xã hội trong tiến trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Hiện - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TƯ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ông Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an),  đại diện các cơ quan hữu quan ở TƯ và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá, sau 5 năm, việc thi hành Pháp lệnh GĐTP đã đạt những kết quả tích cực. Sau khi Pháp lệnh được ban hành, Bộ Tư pháp đã tổ chức phổ biến, quán triệt và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền về tinh thần và nội dung Pháp lệnh đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người làm công tác GĐTP.

Các Bộ, ngành và địa phương cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về nội dung Pháp lệnh cho cán bộ, công chức và các đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh cũng được quan tâm.

Được sự quan tâm của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các tổ chức GĐTP ở Trung ương đều được thành lập mới, củng cố, kiện toàn theo quy định của Pháp lệnh.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến nay, tổng số giám định viên (GĐV) được bổ nhiệm và cấp thẻ là 3115 người trên nhiều lĩnh vực khác nhau như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính - kế toán, văn hóa, xây dựng, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp, khoa học kỹ thuật và một số lĩnh vực khác.

  Trong số GĐV nói trên, có khoảng 722 GĐV chuyên trách, trong đó chủ yếu là GĐV kỹ thuật hình sự chiếm 582 người, GĐV pháp y khoảng 100 người, còn lại GĐV pháp y tâm thần. Ngoài các GĐV tư pháp được bổ nhiệm và cấp thẻ, có còn 237 người GĐTP theo vụ việc đã được Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách.                  

So với trước khi ban hành Pháp lệnh, đội ngũ GĐV tư pháp có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó GĐV tài chính - kế toán có tốc độ tăng nhanh nhất. GĐV tư pháp hiện hầu hết đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của các GĐV còn hạn chế nên việc cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến còn gặp nhiều khó khăn.

  Mặc dù chế độ chính sách đãi ngộ đối với GĐV còn rất hạn chế, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, đại đa số các GĐV đều rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao, thực hiện GĐTP với tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt là các GĐV pháp y đã không quản gian khổ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mọi lúc, mọi nơi.

   Trong những năm qua, thực hiện chức năng giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác GĐTP trong toàn quốc, Bộ Tư pháp đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn về mặt tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực này. Nhất là trong lĩnh vực thể chế, Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Đề án hướng dẫn tổ chức thực hiện và đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh. Bộ Tư pháp cũng ban hành theo thẩm quyền và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Các văn bản này đã từng bước tạo thành một hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thi hành Pháp lệnh, tạo điều kiện cho việc thi hành Pháp lệnh được thuận lợi và thống nhất.

Công tác kiểm tra hoạt động GĐTP ở một số địa phương cũng được quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện những sai sót trong quá trình hoạt động và kịp thời hướng dẫn các tổ chức GĐTP thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về GĐTP. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trưng cầu và thực hiện giám định, Bộ Tư pháp đã kịp thời cấp thẻ và công bố danh sách GĐV tư pháp, người GĐTP theo vụ việc nhằm phục vụ kịp thời cho công tác GĐTP.

Công tác đầu mối, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về GĐTP gần đây cũng được chú trọng hơn, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành các Công văn hướng dẫn các Bộ, ngành và chỉ đạo các địa phương tháo gỡ một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về GĐTP.

   Để trang bị kiến thức pháp lý cho GĐV tư pháp, Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho GĐV trong toàn quốc (mỗi năm 2 lớp với 400 người tham dự) với chất lượng và hiệu quả khá tốt.

Nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ XHCN, công tác GĐTP chưa ngang tầm, vẫn là “điểm nghẽn” trong hoạt động tố tụng nhiều năm qua. Hạn chế của công tác GĐTP cũng làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, “điểm nghẽn” này cần sớm được tháo gỡ, nhất là trước yêu cầu bức bách cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tổ chức, hoạt động và quản lý GĐTP một cách tổng thể, đồng bộ, cũng như để GĐTP “thích nghi” với yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tiến trình cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ XHCN.

Một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả GĐTP được xác định là do nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác GĐTP, cũng như trách nhiệm tạo điều kiện cho hoạt động GĐTP thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý. Do vậy, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác GĐTP là giải pháp quan trọng để từ đó có sự chăm lo, đầu tư xứng tầm cho hoạt động GĐTP.

Quản lý nhà nước về GĐTP thuộc trách nhiệm của ngành Tư pháp nhưng đánh giá chung thời gian qua, vai trò này còn mờ nhạt, thiếu quyết liệt, mới tập trung chủ yếu ở việc xây dựng chính sách và ban hành  thể chế, do không có đủ công cụ. Trong khi đó, nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm và thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước về GĐTP trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách.

Do vậy, nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GĐTP, bảo đảm quản lý nhà nước đồng bộ, hiệu quả và đi vào thực chất, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước về GĐTP hiện nay cũng là giải pháp được các ĐB đánh giá cao.

Nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý GĐTP tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động GĐTP, giải pháp trước mắt là triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1958/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách và Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác GĐTP, góp phần giải quyết một bước cơ bản những khó khăn trước mắt và là tiền đề cho sự phát triển của hoạt động GĐTP trong thời gian tới.

  Đặc biệt, nỗ lực xây dựng và ban hành Luật GĐTP theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định, bảo đảm quyền yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng, có cơ chế bảo đảm tính khách quan, minh bạch của hoạt động giám định, bảo đảm kết luận giám định thực sự là nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh sự thật khách quan của các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, tăng cường hoạt động giám định phục vụ nhu cầu của xã hội, của nhân dân ngoài hoạt động tố tụng.

Hội nghị cũng đã quán triệt nội dung Quyết định 258/QĐ-TTg (ngày 11/2/2010) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác GĐTP, Chỉ thị số 1958/CT-TTg (ngày 25/10/2010) của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động GĐTP.

Bộ Tư pháp cũng trao bằng khen cho 19 tập thể và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác GĐTP 5 năm qua./.

Hương Giang