Thống nhất lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở: Đảm bảo không tăng biên chế và ngân sách

24/07/2020
Thống nhất lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở: Đảm bảo không tăng biên chế và ngân sách
Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm tại cuộc họp thẩm định dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở diễn ra chiều 23/7 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.
Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Trước yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, tinh giản biên chế, giảm chi phí ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Nhấn mạnh tinh thần tự nguyện của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định việc nghiên cứu xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ là cần thiết để tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, tương xứng để tiếp tục tập hợp, huy động, huấn luyện, sử dụng các lực lượng quần chúng tham gia phối hợp với lực lượng Công an chính quy, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
“Việc sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách bám sát chủ trương không tăng biên chế, không tăng ngân sách và không ảnh hưởng đến các hoạt động khác”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công an, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng nêu trên sẽ cắt giảm được khoảng gần 500 ngàn người, đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí ngân sách để chi trả cho gần 500 ngàn người mỗi năm.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc làm rõ quan điểm công an xã chính quy là lực lượng nòng cốt, còn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ là lực lượng hỗ trợ. Đồng thời đề nghị bổ sung các quy định về thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm đối với lực lượng này; làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng.
Nhất trí với quan điểm đây chỉ là lực lượng hỗ trợ công an chính quy, đại diện Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đề nghị dự án Luật cần quy định rõ trách nhiệm của Trưởng công an xã trong việc chịu trách nhiệm trước cấp ủy chính quyền địa phương và tham mưu cho UBND xã trong quy hoạch lực lượng này. “Ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nếu không quy định rõ trách nhiệm của Trưởng Công an xã thì dễ dẫn đến tình trạng “đánh trống ghi tên” để hưởng chế độ mà không lựa chọn được người đáp ứng tiêu chuẩn để tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở”, đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Còn đại diện Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng lại tỏ ra băn khoăn về nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng này bởi dự thảo Luật mới chỉ quy định chung kinh phí là do địa phương cân đối chi trả, Trung ương hỗ trợ và nguồn huy động xã hội hóa mà chưa có sự lượng hóa cụ thể. Ngoài ra, cũng cần làm rõ tiêu chuẩn chung đối với lực lượng này sau khi được thống nhất từ 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách; làm rõ mối quan hệ lực lượng này với công an chính quy, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức liên quan.
Bày tỏ đồng tình, đại diện Bộ Y tế cho rằng cần lượng hóa được nguồn kinh phí mỗi năm mà địa phương chi trả để vận hành lực lượng này. Cùng với đó, cần làm rõ mối quan hệ với lực lượng dân quân tự vệ để không trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, hình thức xử lý vi phạm nếu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lạm dụng quyền hạn, có sai sót, vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định rõ đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự thảo Luật để có cách hiểu thống nhất khi áp dụng trong thực tiễn. Đồng thời cần làm nổi bật hơn nữa mục tiêu của dự án Luật là xây dựng lực lượng hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng công an chính quy, qua đó củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Thứ trưởng cũng yêu cầu cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dân quân tự vệ… để đảm bảo đồng bộ, không trùng lặp nhiệm vụ. Đồng thời cần định lượng được nguồn tài chính tổng thể và chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và nghiên cứu các vấn đề sẽ phát sinh như tiêu chí tuyển chọn, các thủ tục để hưởng chế độ, bồi dưỡng…
K.Quy