Tham gia Công ước Lahay về nuôi con nuôi quốc tế: Cơ hội đã chín muồi

22/08/2010
Chiều qua, trong phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với đa số tán thành đề nghị của Chính phủ về việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.

Trước khi phiên họp diễn ra, Bộ Tư pháp đã có báo cáo bổ sung gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số thông tin liên quan đến việc Việt Nam chuẩn bị ký và phê chuẩn Công ước Lahay.

Phân tích trên 4 vấn đề cơ bản, Bộ Tư pháp cho rằng, với việc Quốc hội thông qua Luật Nuôi con nuôi (tại kỳ họp thứ 7 vừa qua), khung khổ pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam cơ bản đã tương thích với Công ước Lahay, tạo thuận lợi để Việt Nam thực hiện đầy đủ các yêu cầu do Công ước đặt ra khi trở thành thành viên.

 “Đến nay cơ hội cho Việt Nam ký và phê chuẩn Công ước Lahay đã chín nuồi và thuận lợi”. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận lại tỏ ra lo lắng vì cho rằng một số điều của Công ước Lahay không tương thích với pháp luật trong nước, ví dụ điều 26 về chấm dứt quan hệ pháp lý giữa trẻ em và cha mẹ đẻ. “theo Luật ký kết gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, nếu không tương thích thì phải đưa ra Quốc hội”, ông Thuận nói.

Khác với ông Thuận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo chỉ ra thực tế: vẫn có thể có xung đột pháp luật giữa các quốc gia, giữa pháp luật quốc gia với điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên. Khi có xung đột pháp luật xảy ra nơi nào thì áp dụng pháp luật quốc gia đó giải quyết. Ông Thảo ủng hộ cao việc sớm tham gia công ước vì cho rằng  đó là “vấn đề có tính nhân đạo”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng tán thành việc ký Công ước vì theo bà Ba, trong điều kiện trẻ được cho làm con nuôi nếu bố mẹ không thừa nhận hoặc không có điều kiện để nuôi thì việc chấm dứt quan hệ với cha mẹ ruột không là vấn đề, bởi lẽ sau này khi lớn lên trẻ vẫn có quyền tìm nguồn gốc của mình.

Trước các ý kiến còn khác nhau, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rõ thêm: Điều 26 Công ước có quy định con nuôi trọn vẹn và không trọn vẹn. Trong khi đó, điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định, nếu cha mẹ muốn giữ quan hệ thì không phải chuyển đổi. Nếu cha mẹ muốn giữ quan hệ với con thì quyết định phải nêu rõ. Còn nếu cho trọn vẹn thì không có vấn đề gì. Như vậy, quy định về vấn đề này trong Luật và Công ước không phải không liên quan tới nhau.

Ủng hộ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên thường vụ Trần Thế Vượng nêu quan điểm: nếu muốn cho con nuôi ở một quốc gia nào, người cho sẽ phải tìm hiểu pháp luật nước đó, nếu họ không đồng ý chấm dứt quan hệ với con thì có thể từ chối. Pháp luật Việt Nam không bắt buộc phải cho con nuôi. “Giữa Luật Nuôi con nuôi và Công ước không có vấn đề gì mâu thuẫn nên không cần phải đưa ra Quốc hội”.

Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét: cơ bản pháp luật Việt Nam tương thích với Công ước Lahay; việc sớm ký Công ước này sẽ thuận lợi trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Uỷ ban đối ngoại theo dõi, giám sát thực hiện công ước sau khi được ký kết.

Với đa số thường vụ tán thành, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí cao việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay.

Bình An

Công ước Lahay (Điều 26) không bắt buộc việc nuôi con nuôi làm chấm dứt quan hệ pháp lý giữa trẻ em và cha mẹ đẻ. Việc nuôi con nuôi chỉ làm chấm dứt quan hệ pháp lý giữa trẻ em và cha/mẹ đẻ, nếu việc nuôi con nuôi có hệ quả như vậy tại Nước ký kết nơi thực hiện việc nuôi con nuôi (Nước nhận).

Từ đó cho thấy, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Lahay, nếu trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại nước thành viên Công ước, nơi pháp luật quy định việc nuôi con nuôi làm chấm dứt quan hệ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con, thì trẻ em Việt Nam sẽ không còn giữ quan hệ pháp lý với cha mẹ đẻ ở tại Việt Nam. Ngược lại, nếu trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại nước thành viên Công ước, nơi pháp luật không quy định làm chấm dứt quan hệ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con, thì trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài vẫn giữ quan hệ pháp lý với cha mẹ đẻ ở tại Việt Nam.

(Nguồn: Ủy ban đối ngoại)