Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp Đại sứ Thụy Điển

13/08/2010
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp Đại sứ Thụy Điển
Ngày 12/8/2010, nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman đã đến chào từ biệt Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Tham dự buổi tiếp về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như trường Đại học Luật Hà Nội, Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Bổ trợ tư pháp… Đây là những đơn vị đã và đang thực hiện các Dự án Chương trình hợp tác lớn với Thụy Điển.

 Tại buổi tiếp, Ông Rolf Bergman bày tỏ vui mừng vì được chứng kiến những thay đổi tích cực của Việt Nam trong thời gian qua trên nhiều mặt kinh tế, xã hội, an sinh và đặc biệt là những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Ông Đại sứ cho biết Thụy Điển đã hợp tác chặt chẽ, chia sẻ với Việt Nam nhiều kinh nghiệm, bài học trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội trong sạch và vì con người.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường chân thành cảm ơn sự giúp đỡ thiện chí, nhiệt tình, hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đối với Việt Nam nói chung và với ngành Tư pháp Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Việt Nam đánh giá cao những hỗ trợ quý báu của Thụy Điển đối với công tác cải cách hành chính, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Bộ trưởng đã điểm qua những kết quả thiết thực mà các Dự án, Chương trình hợp tác với Thụy Điển đã mang lại cho ngành Tư pháp Việt Nam trong những năm qua. Đó là Dự án Tăng cường đào tạo luật ở Việt Nam[i] với những đóng góp quan trọng, góp phần đào tạo đội ngũ giảng viên luật có trình độ cao làm nòng cốt cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp cho cả nước; là những Chương trình, Dự án hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam[ii] mà qua đó hàng vạn người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế đã được trợ giúp về mặt pháp lý, năng lực của các tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế khác được nâng cao. Một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Thụy Điển đã và đang quan tâm hỗ trợ Việt Nam là công tác luật sư. Thụy Điển đã tích cực hỗ trợ quá trình chuẩn bị thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam[iii] và hiện nay nay thông qua Chương trình Đối tác Tư pháp[iv], tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn của các luật sư, hỗ trợ tổ chức luật sư toàn quốc hoạt động hiệu quả trên cơ sở tự quản với trình độ chuyên môn cao, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho nghề luật sư ở Việt Nam, góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá: “Những thành công trong xây dựng và thực hiện luật đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, giúp củng cố và giữ vững lòng tin của người dân vào Chính phủ”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thông báo với Ngài Đại sứ quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm tới trong việc tiếp tục con đường đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội ổn định, đất nước phát triển bền vững. Bộ trưởng khẳng định, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền là những công việc lớn, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ và thời gian. Trên con đường đó, với định hướng đó, Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác, hỗ trợ chân tình của bạn bè quốc tế, trong đó có Thụy Điển.

Với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm được trong thời gian qua, Đại sứ tin tưởng Việt Nam sẽ thu được nhiều thành tựu mới, quan trọng trong những năm tới. Ngài Đại sứ khẳng định dù không còn được tiếp tục công tác ở Việt Nam nhưng Ngài Đại sứ sẽ theo dõi sát những bước phát triển tiếp theo của Việt Nam trong thời gian tới. Ông bày tỏ “Việt Nam luôn luôn hết sức gần gũi trong trái tim tôi”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường chúc mừng Ngài Đại sứ đã hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, cảm ơn những đóng góp của cá nhân Ngài Đại sứ và tình cảm tốt đẹp của Ngài dành cho Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng trong tương lai sẽ nhiều lần được đón tiếp Ngài Rolf Bergman trên cương vị người bạn của Việt Nam. Buổi tiếp đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động./.  

Dương Thị Hiền - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp


[i] Dự án Tăng cường công tác đào tạo luật tại Việt Nam do Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Đối tác tham gia thực hiện Dự án là  Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Lund, Thụy Điển. Mục tiêu chính của Dự án là: Tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên luật; phát triển hệ thống thông tin thư viện, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Dự án được khởi động từ năm 1998, cho đến nay đã trải qua hai giai đoạn và hiện đang thực hiện Giai đoạn 3 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2011. Dự án đã có những đóng góp thiết thực cho công tác đào tạo luật tại Việt Nam. Cụ thể: Đội ngũ giảng viên luật được nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận tư duy pháp lý quốc tế, được cập nhật phương pháp giảng dạy luật hiện đại; cơ sở vật chất, hệ thống thông tin thư viện được nâng cấp, đội ngũ cán bộ thư viện được đào tạo; góp phần xây dựng thư viện của  hai cơ sở đào tạo luật lớn nhất Việt Nam là Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những thư viện luật hiện đại nhất ở Việt Nam; Quan hệ hợp tác quốc tế về giảng dạy và nghiên cứu luật học được mở rộng.

[ii] Dự án Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam do Cục trợ giúp pháp lý thực hiện với sự hỗ trợ của Sida, SDC, Novib và SCS. Dự án đã hỗ trợ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý. Trình độ nghiệp vụ của chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý được nâng cao, giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.  Số người được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý liên tục tăng trong những năm qua.

[iii] Thụy Điển đã phối hợp với Đan Mạch hỗ trợ Dự án: Hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam - Giai đoạn 3 (Dự án DANIDA). Đơn vị thực hiện Dự án là Vụ Bổ trợ Tư pháp. Dự án đã góp phần hỗ trợ việc xây dựng và ban hành Luật Luật sư, Đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc, xây dựng Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Một trong những hoạt động có hiệu quả nhất của hoạt động hợp tác là các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức pháp luật. Trong quá trình hợp tác, các đối tác của Việt Nam không những được hỗ trợ về mặt tài chính mà còn được chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu, thông tin và các phương pháp đào tạo tiên tiến trên thế giới. Được sự hỗ trợ của Dự án, nhiều luật sư và cán bộ tư vấn pháp luật trong cả nước đã được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp góp phần nâng cao hiểu biết và chất lượng hành nghề của đội ngũ này.  

[iv] Chương trình Đối tác Tư pháp do Liên minh châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch đồng tài trợ. Các đối tác Việt Nam tham gia chính vào Chương trình gồm có Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Chương trình có mục tiêu chung là hỗ trợ các cơ quan tư pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 trong đó có tập trung vào xây dựng và hoàn thiện các dự luật liên quan tới tổ chức của các cơ quan tư pháp và các luật tố tụng của Việt Nam như Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Luật sư; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, luật sư, trợ giúp pháp lý… theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Chương trình có 3 hợp phần, bao gồm: Hợp phần I: “Tăng cường năng lực các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp”; Hợp phần II “Hỗ trợ nâng cao vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam”; Hợp phần III, “Tăng cường năng lực của các tổ chức phi chính phủ nhằm góp phần nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản, tiếp cận công lý và cải cách tư pháp”. Chương trình được thực hiện trong năm năm rưỡi từ 01 tháng 01 năm 2010./.