Xã hội hóa đào tạo luật, nên chăng?

12/08/2010
Xã hội hóa đào tạo luật, nên chăng?
Ngày 11/8/2010, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo khoa học về Đề án tổng thể “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp”. Một trong những nội dung được quan tâm là có nên xã hội hóa việc đào tạo luật.

Vẫn phải được Nhà nước quan tâm

Từ thực tế của Trường Đại học Luật TP.HCM, Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ cho rằng: Đối với những chuyên ngành luật mà xã hội có nhu cầu cao thì sinh viên phải chi trả toàn bộ học phí. Chẳng hạn, 2 chuyên ngành luật thương mại và luật kinh doanh tại Trường gần như được xã hội hóa. Đây cũng là 2 ngành “hot” của phần lớn các cơ sở đào tạo luật khác. Còn các ngành luật như hành chính, hình sự thường để phục vụ nhu cầu của các cơ quan nhà nước thì Nhà nước cần có cơ chế tài chính đặc thù. “Nếu không có cơ chế khuyến khích thì sinh viên sẽ không đăng ký nguyện vọng đâu. Điển hình, đợt tuyển sinh vừa qua, Trường lấy điểm chuẩn 2 ngành này cực thấp mà vẫn không hút được sinh viên”, bà Quỳ lý giải

   

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh lại nêu quan điểm khác. Ông Hạnh phân tích, những thành quả đào tạo của các cơ sở đào tạo luật không thể cân đong đo đếm bằng tiền được. Vì vậy, không nên đặt vấn đề phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo cơ chế thị trường. “Phải có tiếp cận khác về kinh phí đào tạo dành cho đào tạo luật, Nhà nước phải cấp ngân sách, bảo đảm nguồn thu cho các cơ sở đào tạo luật”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Văn Luật cũng khẳng định, bên cạnh những khác biệt của mỗi cơ sở đào tạo luật, tư pháp, Đề án tổng thể phải nêu bật được một điểm chung là kinh phí đào tạo do Nhà nước cấp. Đặc biệt, theo ông Luật, Đề án tổng thể phải làm thế nào để “chốt” được rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một quyết định hành chính liên quan đến giao cơ chế cho các cơ sở đào tạo luật.

   

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên lưu ý, đây là Đề án tổng thể nhằm nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, chứ không phải chỉ là nâng cao chất lượng đào tạo. Tức phải “cho” các cơ sở đào tạo cơ chế để làm cho trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò. Trong đó, trước hết là tập trung đầu tư chiều sâu cho 3 cơ sở nói trên. Theo Thứ trưởng Liên, có thể tính đến một số giải pháp như chế độ đãi ngộ cho giáo viên, liên kết đào tạo nước ngoài, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với nhau.

Không còn là trường trọng điểm?

Việc Đề án tổng thể chỉ mang tên “nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo trường Đại học Luật Hà Nội, trường Đại học Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp” khiến không ít đại biểu băn khoăn liệu 2 trường Đại học có được xây dựng thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật và Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Bà Quỳ cho rằng, mục đích của Đề án tổng thể vẫn là xây dựng trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật. Bởi trong Đề án tổng thể và mỗi Đề án thành phần đều đề cập đến tiêu chí trường trọng điểm. Cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) đã xác định bộ tiêu chí nhắm vào 4 vấn đề là công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bộ máy và đầu tư cơ sở vật chất.

   

PGS -  TS Nguyễn Văn Mạnh (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM) cũng nghiêng về phương án xây dựng trường trọng điểm. Theo ông, bộ tiêu chí trường trọng điểm ít nhất phải nói được tới đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo (còn liên quan đến chuyên ngành đào tạo). Ngoài ra, nếu là trường trọng điểm và trung tâm thì nên có 1 tiêu chí chung, thống nhất về quy mô diện tích, chẳng hạn sẽ được cấp 30 hay 40 ha đất. Không những thế, các cơ sở đào tạo cũng cần có bộ quy chế đào tạo của trường trọng điểm như vào thư viện sao chép sách phải được sự đồng ý của tác giả.

Còn GS - TS Phạm Hồng Thái (Khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, xã hội quan tâm đến sản phẩm đào tạo - tức là chất lượng - chứ không phải số lượng đào tạo. Vì vậy, tiêu chí của trường trọng điểm không nhất thiết phải đi sâu vào việc hàng năm đào tạo được bao nhiêu. Tuy nhiên, điểm ông Thái quan tâm nhất là Đề án chưa đả động gì về tài chính thực hiện. “Cần phải quy ra tiền cho Đề án tổng thể, không thể có mục tiêu đến năm 2015, năm 2020 chúng ta đào tạo từng này, từng này tiến sĩ mà không quy ra được số tiền để đào tạo họ”, ông Thái nhấn mạnh.

Cẩm Vân