Hướng dẫn bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự: Sẽ không bồi thường thiệt hại về tinh thần

10/08/2010
Chương IV của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về TNBTCNN trong lĩnh vực thi hành án. Tuy nhiên, có một số vấn đề vẫn chưa được Luật và Nghị định quy định một cách chi tiết, đầy đủ.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan nhà nước, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện TNBTCNN trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS). Và ngày 6/8, Bộ đã tổ chức tọa đàm về dự thảo Thông tư này với sự hỗ trợ của JICA.

Văn bản làm căn cứ xác định - phải nhiều hơn 2

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, dự thảo Thông tư liên tịch đưa ra 2 loại văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và đều căn cứ vào Luật THADS năm 2008. Bao gồm, Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền; Kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ 10 (VKSNDTC) Nguyễn Thượng Hải kiến nghị, nếu quy định Kết luận nội dung tố cáo là văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì cần phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy cho biết, theo Luật THADS thì văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật lại rộng hơn. Ngoài 2 loại trên, còn có kết luận thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất, định kỳ của cơ quan THA cấp trên, cơ quan quản lý THA hoặc của Thanh tra Bộ Tư pháp cũng như các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc vi phạm pháp luật trong tổ chức THADS. Như vậy, nếu thông tư chỉ quy định 2 loại văn bản sẽ là không toàn diện.

Không bồi thường thiệt hại về tinh thần?

Dự thảo Thông tư hướng dẫn rằng “thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại là những tổn thất vật chất và tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra”. Ông Hải băn khoăn, liệu có nên đưa “tinh thần” vào trong Thông tư hay không. Bởi nếu có “tinh thần” lại phải kèm theo cả bồi thường về “sức khỏe”.

Phó Cục trưởng Cục THADS TP. Hà Nội Nguyễn Thị Kim Thoa phân tích: Trong quá trình THA, các quyết định, hành vi của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS trực tiếp tác động đến đối tượng là tài sản của người phải THA mà không thực hiện các biện pháp như tạm giữ, tạm giam hoặc các biện pháp tư pháp khác nhằm tác động đến thân thể, sức khỏe, tinh thần của người phải THA. Các thiệt hại trong việc thực hiện hoặc không thực hiện hành vi, quyết định về THA được thể hiện qua tình trạng của tài sản: hư hỏng, mất mát, trượt giá, thu nhập bị mất do không được sử dụng… mà không có căn cứ để xác định thiệt hại về tinh thần. Vì thế, bà Thoa đề xuất, thiệt hại được bồi thường từ việc tiến hành hoạt động THA không có khoản bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

Về vấn đề này, bà Obata Yoko - chuyên gia dài hạn người Nhật Bản - bình luận, việc dự thảo thông tư có hướng dẫn bồi thường về tinh thần và sức khỏe hay không, Việt Nam phải nghiên cứu xem Luật quy định ra sao. Trường hợp Luật có quy định thì không nên loại bỏ trong Thông tư hướng dẫn, sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Cẩm Vân