Hướng dẫn bồi thường Nhà nước trong quản lý hành chính: Không nên đặt thêm điều kiện!

20/08/2010
Với sự hỗ trợ của Dự án JICA, trong 2 ngày 17 - 18/10/2010, Bộ Tư pháp đã tổ chức toạ đàm về Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước tại Vĩnh Phúc.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, Điều 1 của Dự thảo Thông tư hướng dẫn 4 căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính. Bao gồm, có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc các trường hợp được bồi thường; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Nếu thiếu 1 trong 4 điều kiện trên thì không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngoài ra, Thông tư cũng xác định rõ Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại và trong trường hợp thiệt hại xảy ra là do người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi, Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Với tư cách là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ phát sinh khi có yếu tố lỗi của công chức đã gây ra thiệt hại. Do đó, lỗi phải được cho là một căn cứ không thể thiếu của trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ông Trương Khánh Hoàn (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) thì đề nghị cân nhắc điều kiện “có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ” được hướng dẫn trong Dự thảo Thông tư vì khoản 2 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ quy định 2 căn cứ (2 điều kiện) để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Về mặt lý thuyết, nội dung hướng dẫn này là đúng và cần thiết nhưng trên thực tế việc quy định thêm điều kiện có thể sẽ gây khó khăn cho người bị thiệt hại đòi bồi thường.

Ông Hoàn phân tích, điều kiện “có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ” chỉ là một yếu tố đương nhiên khi cơ quan có thẩm quyền xem xét hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, chứ không thể là điều kiện để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. “Nhiệm vụ của Nghị định và Thông tư là phải làm rõ, quy định cụ thể hơn những quy định mang tính nguyên tắc chung của luật, pháp lệnh”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Cẩm Vân