“Bám sát để hỗ trợ những định hướng ưu tiên của Chiến lược cải cách tư pháp” là quyết tâm của các bên tham gia Chương trình Đối tác Tư pháp[i] được thể hiện trong phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban định hướng Chương trình.
Phiên họp diễn ra vào ngày 22 tháng 4 năm 2010 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị tổ chức tham gia Chương trình là Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ Chương trình Đối tác Tư pháp là Đan Mạch, Thụy Điển và Liên minh Châu Âu và các Ban chỉ đạo Dự án tại các Hợp phần. Phiên họp vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Uỷ viên Trung ương Đảng, P. Trưởng Ban thường trực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các đồng chí đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan liên quan.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đồng Chủ tịch Ủy ban định hướng, đồng chủ trì cuộc họp đã giới thiệu tóm tắt về Chương trình Đối tác Tư pháp, quá trình đàm phán và một số hoạt động đã được tiến hành trong giai đoạn khởi động Chương trình. Bài phát biểu khẳng định, Chương trình Đối tác Tư pháp là một Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam về quy mô tài chính, số lượng các nhà tài trợ và các cơ quan, tổ chức Việt Nam cùng tham gia. Thiết kế Chương trình Đối tác Tư pháp là một sự độc đáo, đặc biệt có sự gắn kết của Chương trình với các định hướng, mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam. Việc Chương trình Đối tác Tư pháp quy định có tham vấn của Uỷ ban định hướng với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ cho thấy nỗ lực của phía Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của nước ngoài đúng với nhu cầu ưu tiên của Việt Nam trong cải cách tư pháp. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đánh giá cao tầm quan trọng của Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban định hướng và đặc biệt là bài phát biểu của lãnh đạo Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung Ương về ưu tiên của Chiến lược cải cách tư pháp làm định hướng cho các cơ quan, tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm 2010-2011. Thứ trưởng đề nghị các thành viên của Uỷ ban định hướng, các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện Chương trình, các nhà tài trợ hãy cùng nhau chia sẻ, đề xuất ý tưởng vì mục đích chung là thực hiện thành công Chương trình Đối tác Tư pháp đúng với định hướng và mục tiêu của cải cách tư pháp Việt Nam, đáp ứng những kỳ vọng của cả hai phía đối với Chương trình.
Ngài Peter Lysholt Hansen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ, đồng chủ tịch Ủy ban định hướng nêu rõ Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) là kết quả của sự hài hòa hóa những nỗ lực của Ủy ban Châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch nhằm hỗ trợ quá trình cải cách tư pháp của Việt Nam. Việc ba nhà tài trợ là Đan Mạch, Thụy Điển và Liên minh Châu Âu phối hợp hỗ trợ trong một Chương trình sẽ tạo ra tác động sâu rộng, tránh trùng lặp và tăng cường hiệu quả các hoạt động hợp tác phát triển của các nhà tài trợ. Ngài Đại sứ một lần nữa nhấn mạnh thiết chế Ủy ban định hướng trong Chương trình sẽ tạo diễn đàn để các bên tham gia Chương trình trao đổi, thảo luận, tạo ra sự hiểu biết giữa các bên và tinh thần đối tác/hợp tác giữa các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ đặc biệt vui mừng trước sự tham gia của đại diện Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại Phiên họp lần thứ nhất Ủy Ban định hướng. Điều này thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình và định hướng cho Chương trình hoạt động phù hợp, đáp ứng những ưu tiên của Chiến lược cải cách tư pháp và những chính sách tư pháp liên quan của Việt Nam. Ngài Đại sứ, đại diện các nhà tài trợ đánh giá cao vai trò chủ trì, điều phối Chương trình của Bộ Tư pháp và cảm ơn sự phối hợp tích cực, hiệu quả của Bộ Tư pháp với các nhà tài trợ trong giai đoạn vừa qua. Ngài Đại sứ tin tưởng Chương trình Đối tác tư pháp sẽ trở thành một mô hình hiệu quả trong hoạt động hợp tác và mong muốn có nhiều nhà tài trợ sẽ tiếp tục tham gia vào Chương trình này.
Ông Nguyễn Văn Hiện - Uỷ viên TƯ Đảng, P. Trưởng Ban thường trực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ phát biểu nêu rõ những ưu tiên của chiến lược cải cách tư pháp trong năm 2010-2011 của Việt Nam nhằm định hướng cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam tham gia thực hiện Chương trình xây dựng kế hoạch hoạt động. Cụ thể, trong năm 2010, Chiến lược cải cách tư pháp sẽ tập trung vào các trọng tâm như đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp; đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân; xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý... Bài phát biểu đã đề cập đến những ưu tiên và định hướng lớn trong hoạt động của Ban chỉ đạo, thường trực Ban chỉ đạo và Ban thư ký Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong năm 2010, Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ làm việc cụ thể với từng cơ quan về các đề án, nhiệm vụ cải cách tư pháp thuộc trách nhiệm của từng ngành.
Đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện Chương trình (Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam), các nhà tài trợ (Đan Mạch, Thụy Điển, Liên minh Châu Âu) và các đại biểu tham dự họp đã phát biểu đề xuất các hoạt động và ý tưởng thực hiện Chương trình Đối tác Tư pháp. Ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thể hiện trong bài phát biểu của lãnh đạo Ban chỉ đạo. Trong năm 2010, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động trong Chương trình Đối tác Tư pháp tập trung vào mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát, sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát; sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, nâng cao năng lực cho các kiểm sát viên và cán bộ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao khẳng định Ban chỉ đạo Dự án thuộc Tòa án nhân dân tối cao sẽ bám sát các định hướng của chiến lược cải cách tư pháp giao cho ngành Tòa án. Cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động bao gồm các hoạt động như soạn thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, chuẩn bị soạn thảo Luật Tố tụng hành chính, xây dựng chiến lược công bố và phổ biến các bản án; nâng cao năng lực các thẩm phán và cán bộ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới tổ chức hệ thống tòa án...
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết các hoạt động ưu tiên thực hiện trong năm 2010 của Bộ Tư pháp trong Chương trình hoàn toàn phù hợp với các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình cải cách tư pháp mà đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề cập. Đó là các hoạt động hoàn thiện thủ tục tố tụng nhằm đảm bảo tính nhất quán, dân chủ, minh bạch và tôn trọng quyền con người (Dự thảo và thực hiện các văn bản hướng dẫn và quy định liên quan đến Luật Luật sư ..); Nâng cao năng lực của cán bộ tư pháp, luật sư, cán bộ trợ giúp pháp lý, các chủ thể, đội ngũ bổ trợ tư pháp và các chuyên gia khác trong ngành Tư pháp; (Năng lực của Cục Trợ giúp Pháp lý và các Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh được tăng cường bao gồm việc nâng cao nhận thức về các quyền pháp luật và khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý); Đổi mới tổ chức và hoàn thiện các cơ quan tư pháp và cơ quan bổ trợ tư pháp (Nghiên cứu việc thực hiện xã hội hoá định chế thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng và thông qua kế hoạch, chương trình và hướng dẫn khung pháp luật nhằm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp... ). Ông Nguyễn Văn Thảo - Phó Chủ tịch thường trực, Liên đoàn luật sư Việt Nam đề xuất một số hoạt động của Liên đoàn trong phạm vi Chương trình Đối tác Tư pháp. Ông Nguyễn Văn Thảo cho biết, trước mắt Liên đoàn mong muốn soạn thảo Quy tắc đạo đức và các tiêu chuẩn hành nghề của luật sư, xây dựng các nội quy, quy chế hoạt động của Liên đoàn, chuẩn bị tổ chức các khóa đào tạo nghề nghiệp cơ bản và chuyên sâu cho các luật sư... Liên đoàn mong muốn được hỗ trợ để nâng cao vai trò tự quản, từng bước khẳng định vị thế là tổ chức đại diện cho lợi ích và tiếng nói của giới luật sư.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đại diện Chủ tọa, đồng Chủ tịch Ủy ban định hướng đã khẳng định: “Phiên họp lần thứ nhất Ủy ban định hướng Chương trình Đối tác tư pháp đã thành công tốt đẹp. Đây là tín hiệu chứng tỏ sự khởi đầu hết sức tốt đẹp của Chương trình. Phiên họp diễn ra vào đúng thời điểm Việt Nam đang tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện hai Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, đó là Nghị quyết số 48 (năm 2005) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 (năm 2005) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Điều này hết sức quan trọng bởi lẽ, qua phiên họp các bên sẽ được tiếp cận kịp thời với những ưu tiên của Việt Nam trong cải cách tư pháp, để từ đó hướng các hoạt động của Chương trình bám sát các mục tiêu nêu trên”.
Ban thư ký Ủy ban định hướng - Chương trình Đối tác Tư pháp
[i] Chương trình Đối tác Tư pháp do Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Thụy Điển và Liên minh Châu Âu đồng tài trợ. Các đối tác Việt Nam tham gia thực hiện Chương trình gồm có Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân tối cao, Bộ Tư pháp và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam. Bộ Tư pháp, cơ quan được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, là cơ quan chủ quản Chương trình. Các mục tiêu, hoạt động của Chương trình phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các định hướng chung của đất nước. Cụ thể, mục tiêu tổng thể của Chương trình Đối tác Tư pháp là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ và bảo vệ công lý. Chương trình gồm có ba hợp phần: Hợp phần I: Tăng cường năng lực các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp; Hợp phần II: Hỗ trợ hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, tăng cường năng lực tự quản và nâng cao vai trò của luật sư; Hợp phần III: Tăng cường năng lực của các tổ chức phi chính phủ nhằm góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật và cải cách tư pháp. Chương trình Đối tác Tư pháp được thực hiện từ 01 tháng 01 năm 2010 đến 30 tháng 6 năm 2015.