Kết thúc tốt đẹp Hội nghị lần thứ 13 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN

01/05/2010
Kết thúc tốt đẹp Hội nghị lần thứ 13 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN
Ngày 29/4/2010, Hội nghị lần thứ 13 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM 13) đã kết thúc tốt đẹp tại Ba – li, In-đô-nê-xia sau 2 ngày họp phiên toàn thể và 1 ngày làm việc của các Nhóm công tác với sự tham dự của các đoàn đại biểu 10 nước thành viên và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn đã tham dự và họat động tích cực tại Hội nghị.

Tại hội nghị ASLOM 13, quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN đã xem xét các vấn đề chính được thảo luận và thông qua tại ASLOM 12 và ALAWMM 7 (tổ chức tại Brunei năm 2008). Các nước thành viên đã trình bày báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung về 1) Cập nhật Danh bạ các Cơ quan pháp luật của các nước ASEAN (Brunei Darussalam); 2) Xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (Malaysia/ Brunei Daussalam); 3) Báo cáo về Diễn đàn pháp luật ASEAN; 4) Báo cáo về việc trao đổi các đoàn khảo sát của các quan chức pháp luật ASEAN; 5) Chương trình của các quan chức pháp luật ASEAN (Ban Thư ký ASEAN);  6) Xây dựng cơ quan thông tin pháp luật ASEAN (ALIA)  (Ban Thư ký ASEAN); 7)  Xây dựng Công ước ASEAN về chống khủng bố (ASEAC); 8) Xây dựng  các Hiệp định khu vực/tiểu khu vực về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự:  Hiệp định dẫn độ (Malaysia); 9) Xây dựng Luật mẫu về an ninh hàng hải (Malaysia); 10) Tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa các nước thành viên ASEAN (Việt Nam); 11) Thành lập Nhóm công tác của ASLOM về hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN (Singapore); 12) Hiệp định ASEAN về bảo tồn bờ biển và môi trường biển; 13) Đề án về tăng cường sự tham gia của các thành viên vào mạng lưới thông tin (đề xuất của Campuchia /Ban Thư ký ASEAN); 14) Tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Brunei Daussalam)

Ngoài ra, ASLOM 13 cũng đã thảo luận tích cực về việc phát triển cộng đồng ASEAN, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Hiến chương ASEAN  cũng như Đề xuất mới của In-đô-nê-xia về hài hòa hóa pháp luật ASEAN về tội phạm công nghệ cao. Đại diện Ban Thư ký ASEAN đã thông tin cho Hội nghị các kết quả chính của  Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8-9/4/2010 với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn tới Hành động. Báo cáo của Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh về những tiến bộ đạt được trong việc triển khai Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và khẳng định lại những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả các văn kiện này thông qua các biện pháp và hành động cụ thể.[i] Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã cam kết tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh liên kết khu vực và giải quyết các thách thức toàn cầu vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững.[ii]  

Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình trong việc đóng góp tích cực cho việc thảo luận, đề ra các phương hướng nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình, kế hoạch hợp tác pháp luật đã đề ra theo các khuôn khổ và lộ trình đã xác lập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trưởng đoàn Việt Nam tham dự ASLOM 13, Ông Nguyễn Khánh Ngọc đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, nhắc lại thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 - Hội nghị Cấp cao đầu tiên của các nhà Lãnh đạo ASEAN trong năm 2010 - vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội với vai trò quan trọng của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm,” góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ và ngày càng vững mạnh hơn. Việt Nam cũng đánh giá cao bước phát triển mới của Hiệp hội, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Trong bối cảnh đó, hợp tác pháp luật và tư pháp ngày càng trở nên quan trọng và thiết thực cho việc gắn kết thực thể chính trị-kinh tế ASEAN. Trưởng Đoàn Việt Nam cũng nhắc lại chủ đề xuyên suốt cho năm 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” với mục tiêu nhấn mạnh trọng tâm hợp tác và tinh thần hành động của ASEAN trong năm nay và những năm tiếp theo. Việt Nam đề nghị tại ASLOM 13 này, quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN cần thảo luận sâu hơn, thiết thực và hiệu quả hơn các biện pháp và bước đi cụ thể nhằm cùng nhau phối hợp hành động để hiện thực hóa mục tiêu và kế hoạch đã đề ra trong hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN.

Ngoài ra, trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã  trình bày báo cáo tiến độ triển khai Sáng kiến về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các nước ASEAN. Bà Đặng Hoàng Oanh, Trưởng Nhóm công tác ASLOM về tăng cường Tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại cũng đã trình bày Báo cáo kết quả phiên họp đầu tiên của Nhóm, diễn ra 1 ngày trước ASLOM 13, cũng tại Ba - li, In-đô-nê-xia dưới sự chủ trì của Việt Nam với tư cách là quốc gia đưa ra Đề xuất. Báo cáo của Nhóm công tác nhấn mạnh việc các quốc gia thành viên ASEAN cần đẩy mạnh tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, đồng thời thống nhất đề nghị Việt Nam chủ trì soạn thảo Hiệp định Mẫu (song phương) về miễn hợp pháp hóa giấy tờ sử dụng trong tương trợ tư pháp, là cơ sở để xây dựng Hiệp định khu vực ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ. Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc đề xuất và chủ trì triển khai Sáng kiến về Tăng cường tương trợ tư pháp ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại, thúc đẩy hài hoà hoá pháp luật thương mại, dân sự, tố tụng quốc tế giữa các nước thành viên, tiến tới hình thành thể chế và thiết chế tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN với nhau và với thế giới, góp phần trực tiếp thúc đẩy thương mại trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu. 

Sau 3 ngày đêm làm việc tích cực, khẩn trương và sôi nổi (ngoài các cuộc họp của Nhóm công tác về từng chủ đề, các phiên họp toàn thể của ASLOM, vào các buổi tối còn diễn ra các cuộc họp của Nhóm soạn thảo văn kiện để kịp thời hoàn tất nội dung), Hội nghị đã thảo luận và đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề có liên quan và thông qua báo cáo của ASLOM 13. Dựa trên các chương trình/ kế hoạch hoạt động đã thống nhất tại Hội nghị, các nước ASEAN sẽ tích cực phối hợp triển khai những nội dung cụ thể và đề xuất những Sáng kiến mới, chuẩn bị cho ASLOM 14 và Hội nghị lần thứ 8 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN, dự kiến sẽ được tổ chức  tại Cam-pu-chia vào cuối năm 2011.    

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp


[i]  Hiến chương ASEAN đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý và thể chế cho Cộng đồng ASEAN.  Cơ cấu tổ chức mới của ASEAN đã được định hình với việc bắt đầu đi vào hoạt động của một số cơ chế mới như Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), các Hội đồng Cộng đồng, Uỷ ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR) và Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, nhiều văn bản pháp lý cần thiết để thực hiện Hiến chương đã được ký kết, đặc biệt là Nghị định thư Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN và Hiệp định Ưu đãi, Miễn trừ của ASEAN cũng như các văn kiện khác. Những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của các Quốc gia thành viên ASEAN cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đưa Hiến chương vào cuộc sống trên mọi phương diện và đã chỉ thị các Bộ trưởng và quan chức cao cấp bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chủ chốt, cải tiến phương pháp làm việc và hoàn tất khung pháp lý đầy đủ của Hiến chương ASEAN. 

[ii] Cũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ16, những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của các Quốc gia thành viên ASEAN đã đánh giá cao tiến trình thực hiện Lộ trình hướng tới Cộng động ASEAN vào năm 2015, bao gồm các Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng Chính trị An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa Xã hội của ASEAN cũng như Kế hoạch công tác giai đoạn hai (2009-2015) về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI). Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng giao cho các Bộ trưởng và quan chức cao cấp liên quan đẩy mạnh thực hiện các thoả thuận này thông qua phê chuẩn kịp thời các hiệp định, nghị định thư và hoạt động cụ thể.

______________________________________ 

Các bài viết có liên quan: