Hoàn thiện khung pháp luật về báo chí và truyền thông tại Việt Nam

16/04/2010
Hoàn thiện khung pháp luật về báo chí và truyền thông tại Việt Nam
Sáng ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện khung pháp luật về báo chí và truyền thông tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin & Truyền thông, TƯ Hội Nhà báo Việt Nam… cùng nhiều cơ quan báo chí, truyền thông TƯ và Hà Nội.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về báo chí và truyền thông

Thay mặt Đoàn liên ngành thực hiện khảo sát tại Pháp, Bỉ, Hà Lan về chủ đề “Hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh hoạt động truyền thông và báo chí” (do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên dẫn đầu), ông Nguyễn Huy Ngát – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) đánh giá, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động truyền thông và báo chí ở Việt Nam hiện chưa thực sự được hoàn thiện; vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật trong triển khai thực hiện Luật Báo chí và các văn bản liên quan; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông và báo chí còn khá hạn chế…

Vì vậy, Đoàn liên ngành khuyến nghị, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về báo chí và truyền thông ở Việt Nam là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển trong khuôn khổ pháp luật; khắc phục những mặt chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn; đề cao trách nhiệm xã hội đối với hoạt động báo chí, truyền thông và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; kịp thời bổ khuyết và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về báo chí.

Ông Nguyễn Huy Ngát cũng cho biết, ở các nước có trình độ phát triển cao, cùng với việc hoạt động theo pháp luật, các nhà báo rất ‘tôn thờ” đạo đức nghề nghiệp. Do đó, nhiều nước đã bỏ chế tài hình sự đối với nhà báo vi phạm pháp luật khi tác nghiệp (mà chỉ áp dụng dùng chế tài dân sự hay hành chính) vì “rất khó thấy nhà báo nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Cụ thể hóa qui định về cung cấp thông tin cho báo chí

Giới thiệu về những nội dung cụ thể cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối với Luật Báo chí, ông Vũ Thanh Sơn (Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT) cho biết, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần quan tâm đến qui định về báo điện tử và một phần về phát thanh, truyền hình (hiện còn qui định khá sơ sài trong Luật Báo chí); cụ thể và minh bạch hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép với nguyên tắc chung là loại bỏ những thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính; vấn đề tài chính, mô hình hoạt động của cơ quan báo chí nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, cụ thể hóa qui định về cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng qui định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho báo chí, qua đó đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch của thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo qui định pháp luật để báo chí không phải tiếp cận những “thông tin không chính thống”. Qui định thêm về quyền và nghĩa vụ của nhà báo để nhà báo có cơ sở pháp lý vững chắc hoạt động độc lập, khách quan, không bị đe dọa, đảm bảo đạo đức nghề nghiệp của nhà báo…

Nâng cao trình độ pháp luật cho phóng viên, biên tập viên

Theo ông Nguyễn Quang Thống (Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam), để xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả của việc tuân thủ Luật Báo chí, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí cần phối hợp thực hiện việc định hướng tuyên truyền Luật Báo chí gắn với tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung; các cơ quan báo chí cần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ, phóng viên, biên tập viên cho chuyên mục có nội dung phổ biến pháp luật vì “viết về đề tài pháp luật mà không hiểu pháp luật sẽ dẫn đến viết sai, không chính xác, làm phản tác dụng tuyên truyền” - ông Thống nhấn mạnh.

Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa việc giám sát các hoạt động của cơ quan báo chí và nhà báo, thực thi nghiêm túc các chế tài của pháp luật nói chung và Luật Báo chí nói riêng để giúp báo chí luôn hoạt động đúng pháp luật. Kịp thời chấn chỉnh ngay những cơ quan báo chí và nhà báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ hoạt động của nhà báo. Hiện Hội đang xây dựng dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản trong đó có qui định xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo, với hình thức phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả và xin lỗi nhà báo. 

Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam bày tỏ sự ấn tượng về những vấn đề cơ bản trong lĩnh vực báo chí truyền thông của Việt Nam thời gian qua. Đồng thời khẳng định, EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công tác báo chí truyền thông, giải quyết những khó khăn mà Việt Nam gặp trong lĩnh vực này, góp phần đưa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – EU ngày càng phát triển trong tương lai./.

H.Giang