Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tiếp thu và hoàn thiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ

15/04/2010
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Công thương và Tài chính về dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 2097/VPCP-PL ngày 31/3/2010, Ban Soạn thảo chương trình đã tổ chức 03 buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 1-2/2010 do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì.

Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo các cơ quan nêu trên cùng đại diện thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Chương trình, Ban soạn thảo đã chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Ngày 25 tháng 2 năm 2010, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã ký Báo cáo số 34/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp).

Trên cơ sở Báo cáo của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1535/VPCP-PL ngày 11 tháng 3 năm 2010 gửi 3 Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở Công văn lấy kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã có văn bản góp ý (văn bản góp ý lần 2) về dự thảo Chương trình. Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu, giải trình ý kiến của 03 Bộ nêu trên về dự thảo Chương trình để Văn phòng Chính phủ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. 

Trên cơ sở yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, ngày 9 tháng 4 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo số 71/BC-BTP ngày 9/4/2010 tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Bộ Tài chính về dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, về nội dung Chương trình: Tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng đã chỉ đạo Ban Soạn thảo rà soát để lồng ghép, kết nối các hoạt động của 3 Dự án trong Chương trình nhằm tránh sự trùng lặp và tiết kiệm chi phí. Cụ thể, các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động; đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc 3 Dự án của Chương trình sẽ được phối hợp tổ chức để tiết kiệm chi phí đi lại. Bổ sung nội dung Tổ chức nhân rộng kết quả ra các địa phương khác” tại Mục 4.2 Phần IV Chương trình theo góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, về kinh phí thực hiện Chương trình. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ trưởng chỉ đạo rà soát nội dung của Chương trình và đề nghị chỉnh lý điểm 5.3 mục 5 Phần IV như sau: “5.3. Phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình: Kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành Trung ương chủ trì hoạt động của Chương trình. Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình do Ban Chỉ đạo Chương trình lập trong phạm vi hoạt động của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ trì hoạt động của Chương trình lập dự toán chi tiết thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị quy định rõ cơ chế đóng góp kinh phí của các địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo quan điểm của Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì vấn đề này đã được quy định tại điểm 5.2 mục 5 Phần IV dự thảo Chương trình, cụ thể, cơ chế đóng góp kinh phí của các địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc: (1) ngân sách địa phương được cấp để đảm bảo việc tham gia phối hợp triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương; phối hợp triển khai hoạt động điểm tại các tỉnh, thành phố được lựa chọn; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương; (2) kinh phí đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia chương trình được sử dụng để chi phí cho cá nhân, tổ chức tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; tham gia các hoạt động sử dụng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện Chương trình: Tiếp thu ý kiến của Bộ Công thương, Bộ trưởng đã chỉ đạo Ban Soạn thảo bổ sung Bộ Thông tin và truyền thông vào Ban Chỉ đạo Chương trình. Tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị điều chỉnh điểm 3.3 mục 3 Phần IV của Chương trình như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào các chương trình, dự án có liên quan và hỗ trợ việc huy động nguồn tài trợ để triển khai Chương trình theo quy định của pháp luật”.

Bộ Công thương đề nghị cần bổ sung cơ quan trực tiếp chủ trì thực hiện từng Dự án tại Phụ lục 1. Về vấn đề này, tại Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 34/BC-BTP ngày 25/2/2010 của Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp đã đề nghị “Việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình sẽ được Ban Chỉ đạo Chương trình quyết định phân công cụ thể cho Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan. Để xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện các Dự án, tiếp thu ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung điểm 4 tại các Dự án để quy định về các cơ quan chủ trì và phối hợp thực hiện từng Dự án. Trên cơ sở đề xuất về kế hoạch thực hiện của các cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện Dự án, Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ quyết định phân công cơ quan có trách nhiệm chủ trì thực hiện các hoạt động trong các Dự án của Chương trình theo kế hoạch hàng năm.

Bổ sung tên đầy đủ của Chương trình là “Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014” theo ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngay sau khi ký Báo cáo số 71/BC-BTP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ký Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014 trong tháng 4/2010.

Trần Minh Sơn