Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ làm việc với Bộ Tư pháp: Bộ Tư pháp góp phần phục vụ tốt cho cải cách tư pháp

08/04/2010
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ làm việc với Bộ Tư pháp: Bộ Tư pháp góp phần phục vụ tốt cho cải cách tư pháp
Sáng nay (8/4), Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) Trung ương do Chủ tịch nước - Trưởng BCĐ Nguyễn Minh Triết dẫn đầu đã đến làm việc với Bộ Tư pháp về công tác CCTP.

Cùng đi còn có các ông Nguyễn Văn Hiện (Phó trưởng BCĐ CCTP TƯ), Nguyễn Văn Chiền (Ủy viên BCĐ CCTP TƯ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước), Nguyễn Văn Quyền (Ủy viên thường trực BCĐ CCTP TƯ - Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng), Trịnh Xuân Toản (Vụ trưởng Vụ Pháp luật và CCTP - Văn phòng TƯ Đảng), Nguyễn Hải Ninh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và CCTP - Văn phòng TƯ Đảng), Thái Anh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và CCTP - Văn phòng TƯ Đảng), Vũ Quy (Thư ký Chủ tịch Nước). Lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng toàn thể các lãnh đạo cấp Vụ, các chuyên gia pháp luật đã tham dự buổi làm việc.

Bộ Tư pháp góp phần phục vụ tốt cho cải cách tư pháp

Năm 2009, thực hiện công tác CCTP, Bộ Tư pháp xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá những “điểm nghẽn”, quá trình triển khai các nhiệm vụ đã tạo ra những thay đổi tích cực và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, “việc thực hiện các nhiệm vụ này đã tác động rất lớn đến việc thực hiện các công tác tư pháp. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành, thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước và nhân dân”.

Đánh giá cao những kết quả mà Bộ Tư pháp đạt được trong quá trình thực hiện 5 nhiệm vụ và 7 đề án mà Ban chỉ đạo CCTP TƯ giao, Chủ tịch nước và các thành viên trong đoàn đều nhận thấy, Bộ Tư pháp đã có nhiều cố gắng hoàn thành khối lượng công việc lớn, giúp Chính phủ, Quốc hội trong phạm vi chức năng quản lý của mình, làm được nhiều việc phục vụ tốt cho công tác CCTP, từng bước tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động tư pháp.

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Nguyễn Văn Chiền cho rằng, trong thời gian tới, với điều kiện, thế mạnh về xây dựng pháp luật so với các Bộ, ngành khác, Bộ Tư pháp nên từng bước tháo gỡ khó khăn, hạn chế; tập trung công tác đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất phương tiện làm việc; gắn công tác CCTP đi liền với cải cách hành chính; tăng cường giúp Chính phủ hoàn thiện kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, hạn chế tình trạng “luật đầu năm thông qua, cuối năm đã sửa”. Đồng thời, cần có hướng giúp Chính phủ tăng cường chất lượng của đội ngũ luật sư và khả năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, công dân.

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, chủ động phương án giải quyết những vướng mắc, bất cập trong CCTP, trước mắt quan tâm đến chất lượng công tác đào tạo cán bộ tư pháp, cải thiện tình hình THADS, không để tình trạng án dồn hàng năm sẽ không thể giải quyết được những tồn tại của lĩnh vực công tác này. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên có đề xuất xúc tiến hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức và hoạt động giám định tư pháp vì theo kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong ngành Tòa án của ông, ”không có giám định tư pháp tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của quá trình tố tụng”.

Cũng quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ của ngành Tư pháp, ông Nguyễn Văn Chiền lưu ý Bộ phải tập trung vào đào tạo cán bộ trẻ - tạo đội ngũ kế cận vững vàng, tiếp nối sự nghiệp Tư pháp và cần tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ. Vì ngân sách các địa phương còn nhiều khó khăn do vậy Bộ cũng nên chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp và THADS địa phương. Ông Chiền còn nhấn mạnh, CCTP phải đi đôi với cải cách hành chính. Bộ Tư pháp cần xây dựng các kế hoạch giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện đang chắp vá, chồng chéo, liên tục phải sửa đổi, bổ sung. Tăng cường công tác phổ biến pháp luật để người dân hiểu và thực hiện pháp luật tốt hơn.

Trước những đánh giá về tồn tại, hạn chế của công tác CCTP của Bộ Tư pháp năm 2009, Chủ tịch nước cho rằng, Bộ Tư pháp đã ”nhìn nhận thẳng thắn, đúng mực” các vấn đề còn tồn tại. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần nắm thời cơ thuận lợi, quan tâm khắc phục, đổi mới hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ CCTP được giao, góp phần xây dựng NNPQ XHCN và ý thức thượng tôn pháp luật. Bộ Tư pháp cũng có trách nhiệm đóng góp một phần quan trọng vào quá trình tiếp tục giải mã những vấn đề của cơ chế thị trường định hướng XHCN, tiến tới hoàn thiện cơ chế này ở nước ta vì ”nếu thiếu định hướng XHCN ta sẽ mất phương hướng”.

Thực hiện tốt vai trò “mắt xích” quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, BCĐ CCTP TƯ sẵn sàng đối thoại với Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ về những vấn đề còn bất cập để kịp thời có biện pháp giải quyết. Hiện nay, việc xây dựng pháp luật rất nhiều, mỗi kỳ họp đều trình cho Quốc hội xem xét hoặc thông qua hàng chục dự luật vì lý do “Chúng ta vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều văn bản pháp luật phải chỉnh sửa nhưng do thiếu thực tiễn nên đã sửa rồi lại sửa nữa” – Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước nhận xét, ”Bộ Tư pháp là “mắt xích” quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp” nên thời gian tới phải trong sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện pháp luật nghiêm minh, điều tra, truy tố, xét xử đúng người đúng tội. Trong quá trình cải cách có những bước đi chính chắn, thận trọng, cần thiết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục góp phần giúp Chính phủ, Quốc hội, BCĐ CCTP  trong chương trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế về cơ quan tư pháp; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, CCTP. Hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển ngành cũng như thực hiện tốt nhất các công việc theo tinh thần NQ 49.

Phải có bước đột phá trong THADS vì nếu không đột phá không giải quyết nổi tình trạng án tồn đọng. “Có những lĩnh vực chúng ta tiến chậm (thậm chí chậm hơn chính mình) thì nên phải làm mạnh hơn để “cởi trói”, mở ra những cơ hội mới” – Chủ tịch nước nhấn mạnh. Ngoài ra, để làm tốt các nhiệm vụ chính trị, Bộ Tư pháp phải làm quyết liệt, mạnh mẽ trong lĩnh vực tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách thu hút nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, không riêng gì ở TƯ mà từng địa phương cũng cần có sự phối hợp.

Xuất phát từ hoạt động thực tiễn, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã có những kiến nghị đối với Ban Chỉ đạo CCTP nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp. Vụ trưởng Vụ PBGDPL Nguyễn Duy Lãm nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đang “vấp” phải một số rào cản như thể chế chưa hoàn thiện, một bộ phận lãnh đạo chưa quan tâm đến công tác này nên sự đầu tư về nhân lực và tài lực cho phổ biến pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật còn kém... Do vậy, ông Lãm đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP TƯ ủng hộ chủ trương có một “Ngày pháp luật” và có mức đầu tư cho công tác phổ biến pháp luật tương xứng với việc xây dựng và thi hành pháp luật.

Tăng cường hiệu quả cho một trong những lĩnh vực “nóng” của ngành Tư pháp là THADS cũng đã được các thành viên trong Đoàn công tác quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Luyện – Q.Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, hàng năm với hơn 200.000 bản án có hiệu lực pháp luật cần được thi hành thì tình trạng “dồn án” là không tránh khỏi nếu không giải quyết được khoảng 280.000 án đang tồn đọng do chưa đủ điều kiện thi hành, đủ điều kiện nhưng chưa được thi hành và không có điều kiện thi hành. Bên cạnh việc ngành THADS tích cực giải quyết các án đủ điều kiện nhưng chưa được thi hành, ông Luyện đề nghị có chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền trong việc xử lý đối với những án không có điều kiện thi hành, góp phần giảm lượng án tồn đọng, tăng hiệu quả công tác THADS.

Chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai rất băn khoăn về tính hiệu quả của một số công việc trong quá trình thực hiện CCTP do chỉ là nội dung “ghép” trong các chiến lược chung. Từ nay đến năm 2012 là “thời gian vàng” cho CCTP và cải cách pháp luật nên bà Mai đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan có những đề xuất phù hợp để trong văn kiện Đại hội Đảng 11 sắp tới, nội dung CCTP sẽ được tăng cường hơn nữa.

Thông qua hoạt động thực hiện CCTP, Bộ Tư pháp cũng đã đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP TƯ kiến nghị Bộ Chính trị có những bước chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp để phục vụ cho quá trình CCTP nói riêng, cải cách bộ máy nhà nước ta nói chung; tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện các luật vừa được Quốc hội thông qua liên quan trực tiếp tới tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp; cho kéo dài thời gian nghiên cứu Đề án “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án” do tính phức tạp, nhạy cảm của Đề án; chỉ đạo để các cơ quan tư pháp thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất và triệt để các định hướng và giải pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị liên quan đến Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; chỉ đạo việc xây dựng trụ sở các cơ quan tòa án, kiểm sát, trại giam, cơ quan THADS cần theo quy hoạch chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của những cơ quan này. Cuối cùng, Bộ Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo cần quan tâm xúc tiến thành lập Đảng đoàn cho Liên đoàn LS Việt Nam, củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức LS trên toàn quốc.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Bộ Tư pháp, Chủ tịch nước khẳng định ”thống nhất hoàn toàn về quan điểm, tư tưởng đối với những kiến nghị của Bộ Tư pháp, đồng thời chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm với các đồng chí. Tuy nhiên, quan trọng là việc tổ chức thực hiện làm sao để đi vào cuộc sống vì tinh thần của những đề nghị này không chỉ cho hôm nay mà cho hướng phát triển trong tương lai, để việc xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh như tinh thần NQ 49”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực luật pháp để đáp ứng được những đòi hỏi của luật pháp trong quá trình hội nhập hiện nay./.

Huy Anh