Kết thúc tốt đẹp đàm phán sửa đổi Hiệp định tương trợ TP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12/10/1982, đã được CH Séc và CH Xlô-va-kia kế thừa

07/04/2010
Kết thúc tốt đẹp đàm phán sửa đổi Hiệp định tương trợ TP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12/10/1982, đã được CH Séc và CH Xlô-va-kia kế thừa
Tiếp theo tin đã đưa về việc chuẩn bị đàm phán, sửa đổi Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12 tháng 10 năm 1982, đã được Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlô-va-kia kế thừa, Đoàn công tác liên ngành thông tin thêm về kết quả đàm phán, trao đổi với Bạn như sau:

Từ 29-31 tháng 3 năm 2010, tại Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Séc, Đoàn công tác liên ngành đã làm việc với Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tổng công tố của Séc về việc sửa đổi Hiệp định nêu trên. Phát biểu chào mừng Đoàn công tác, ông Marek Ženíšek, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Séc đã nhấn mạnh tầm quan trọng và đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Séc. Ông Marek Ženíšek tin tưởng rằng buổi đàm phán này sẽ là cơ hội tốt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp giữa hai Bên.

Buổi đàm phán đã diễn ra trong không khí cởi mở, hữu nghị và hợp tác. Hai Bên đã dành nhiều thời gian để trao đổi về kinh nghiệm, thực tiễn thực thi Hiệp định, những nội dung và phương hướng sửa đổi Hiệp định, đồng thời chia sẻ thông tin về pháp luật tương trợ tư pháp của mỗi Bên cũng như kinh nghiệm đàm phán, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp. Sau 03 ngày làm việc tích cực, hai Bên đã đạt được thống nhất cao về nhiều nội dung, được thể hiện trong Biên bản thảo luận giữa hai đoàn công tác.

Sự thành công tốt đẹp trong việc đàm phán sửa đổi Hiệp định đã thể hiện tinh thần làm việc có trách nhiệm của các thành viên Đoàn công tác, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cán bộ, đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp, đặc biệt là sự phối hợp và giúp đỡ nhiệt tình của Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Đại Sứ quán Cộng hòa Séc  tại Việt Nam trong thời gian chuẩn bị và tiến hành chuyến công tác này. Trong suốt quá trình đàm phán sửa đổi Hiệp định nói trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc đều cử cán bộ (Bí thư thứ nhất) tham dự và tích cực đóng góp nội dung cùng Đoàn công tác.

Tiếp theo các buổi đàm phán, thảo luận về việc sửa đổi Hiệp định với các cơ quan có thẩm quyền của Bạn, Đoàn công tác đã có các cuộc gặp gỡ, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Séc để tìm hiểu về cuộc sống, những khó khăn, thuận lợi và nhu cầu của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước sở tại. Thông tin về các buổi làm việc này sẽ được cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

Dưới đây chúng tôi xin đăng toàn văn Biên bản thảo luận giữa hai Bên:

BIÊN BẢN THẢO LUẬN

Giữa hai đoàn công tác của nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc

về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dân sự

Praha, 29-31 tháng 3 năm 2010

Cuộc gặp gỡ, làm việc giữa đoàn công tác của nước CHXHCN Việt Nam (Việt Nam) và đoàn công tác của Cộng hòa Séc (Séc) về việc thực thi Hiệp định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dân sự giữa Việt Nam và Séc năm 1982 (sau đây gọi là Hiệp định) được tổ chức tại Bộ Tư pháp Séc, Praha từ ngày 29-31 tháng 3 năm 2010.

Đoàn công tác của Việt Nam do bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam làm Trưởng đoàn; Trưởng đoàn công tác của Séc là bà Zuzana Fišerová, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về lĩnh vực dân sự và bà Nicole Petrikovitsová, Trưởng phòng Pháp luật hình sự quốc tế, Bộ Tư pháp Séc (danh sách thành viên đoàn công tác tại Phụ lục I).

Ngôn ngữ trao đổi trong buổi làm việc là tiếng Anh.

Chương trình làm việc gồm có:

1.      Phát biểu chào mừng của ông Marek Ženíšek, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Séc;

2.      Phát biểu của bà Đặng Hoàng Oanh, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam;

3.      Thảo luận về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dân sự.

Hai đoàn công tác đã thảo luận và thống nhất về những vấn đề sau:

I. Một số vấn đề chung:

-         Hai Bên nhất trí rằng cuộc gặp gỡ, làm việc này không nhằm mục đích đàm phán trực tiếp về một Hiệp định mới, mà là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các bước sẽ được triển khai trong tương lai.

-         Hai Bên đã trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dân sự của mỗi nước, kinh nghiệm đàm phán, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, trong đó có các Công ước Lahay về tư pháp quốc tế.

-         Hai Bên cũng đã trao đổi thông tin tổng quát và kinh nghiệm trong việc áp dụng, thực thi Hiệp định.

-         Hai Bên đều khẳng định là Hiệp định có giá trị pháp lý cao hơn văn bản pháp luật của mỗi nước.

-         Hai Bên thông báo về việc thay đổi danh sách các Cơ quan Trung ương có thẩm quyền quy định trong Hiệp định - về phía Việt Nam, ba Cơ quan Trung ương có thẩm quyền gồm có: Bộ Tư pháp (chịu trách nhiệm về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (chịu trách nhiệm về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, bao gồm cả chuyển giao vụ án hình sự) và Bộ Công an (chịu trách nhiệm về dẫn độ); về phía Séc, các Cơ quan Trung ương có thẩm quyền bao gồm: Bộ Tư pháp (chịu trách nhiệm về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao các vụ án hình sự) và Văn phòng Tổng công tố (chịu trách nhiệm về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và chuyển giao các vụ án hình sự).

-         Hai Bên nhất trí sửa đổi quy định của  Hiệp định về vấn đề ngôn ngữ, trong đó có quy định riêng về ngôn ngữ trao đổi giữa các Cơ quan có thẩm quyền (tiếng Anh) và quy định riêng về ngôn ngữ của yêu cầu tương trợ tư pháp và các văn bản kèm (ngôn ngữ chính thức của Bên được yêu cầu).

-         Hai Bên nhất trí sẽ cung cấp cho nhau các văn bản pháp luật liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dân sự (nếu có văn bản bằng tiếng Anh).

-         Hai Bên ký kết Hiệp định sẽ cân nhắc, xem xét các kết quả của cuộc làm việc này. Riêng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, nếu cần thiết phải sửa đổi Hiệp định hiện hành, thì hai đoàn công tác đề nghị các Bên sẽ ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thay vì ký kết một Hiệp định mới.

II. Về lĩnh vực dân sự:

-         Hai Bên trao đổi ý kiến về vấn đề xác định địa chỉ của đối tượng nhằm thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp và thống nhất giữ nguyên quy định tại Điều 11 Hiệp định hiện hành.

-         Hai Bên nhất trí giữ nguyên quy định về nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền trong Hiệp định hiện hành. Phía Séc thông tin với phía Việt Nam là nếu trong Hiệp định không quy định về nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền thì khi có xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền sẽ phải áp dụng quy định pháp luật quốc gia, trong đó có cả pháp luật của EU.

-         Hai Bên cũng đồng ý giữ nguyên quy định hiện hành về công nhận và thi hành các quyết định, đồng thời bổ sung quy định cụ thể về công nhận và thi hành các quyết định không mang tính chất tài sản. Nguyên tắc công nhận và thi hành quyết định trọng tài có thể được giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc thay thế bằng quy định dẫn chiếu đến điều ước quốc tế đa phương (Công ước Niu-oóc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài ngày 10.6.1958. Việt Nam và Séc đều đã là thành viên của Công ước này).

-         Hai Bên cũng thống nhất về việc giữ nguyên quy định tại Điều 56 và Điều 57 Hiệp định hiện hành.

-         Phía Việt Nam giải thích cụ thể hơn về thuật ngữ “residence” (nơi cư trú). Theo pháp luật Việt Nam, thuật ngữ “nơi cư trú” bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú, dùng để chỉ nơi đối tượng đang sinh sống trên thực tế.

-         Hai Bên nhất trí về sự cần thiết của việc giải thích cụ thể thuật ngữ “các vấn đề dân sự” quy định tại Khoản 3 Điều 1 Hiệp định hiện hành, theo đó thuật ngữ “các vấn đề dân sự” sẽ bao gồm cả các vấn đề về thương mại, hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự và việc dân sự.

-         Hai Bên nhất trí cần thiết phải bổ sung “các cơ quan có thẩm quyền khác” ngoài “tòa án” trong phần các quy định chung của Hiệp định.

-         Hai Bên thống nhất về việc miễn hợp pháp hóa đối với các giấy tờ, tài liệu được chuyển qua kênh tương trợ tư pháp. Việc hợp pháp hóa các loại giấy tờ, tài liệu khác sẽ được các Bên tiếp tục trao đổi, thảo luận sau. Các Bên cũng sẽ nỗ lực để tìm biện pháp ngăn chặn hồ sơ, giấy tờ giả hoặc bị thay đổi nội dung.

III. Về lĩnh vực hình sự:

-         Hai Bên thông tin cho nhau về quy trình giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp, tập trung vào việc tống đạt giấy tờ và xác định địa chỉ của đối tượng trên lãnh thổ của nước được yêu cầu. Hiện nay, Séc đang sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư. Các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương đều có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu này (chỉ cần có thông tin về tên, ngày sinh của đối tượng). Ở Việt Nam cơ quan công an có thể tìm kiếm thông tin về đối tượng trong cơ sở dữ liệu về dân cư nếu có thông tin về tên, ngày sinh, nơi sinh. Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng hệ cơ sở dữ liệu điện tử về dân cư. Hai bên cũng khẳng định rằng theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Hiệp định hiện hành, giấy tờ phải được tống đạt tới tận tay người được tống đạt. Theo pháp luật của Séc, người được tống đạt phải ký xác nhận việc đã nhận được giấy tờ tống đạt; không cho phép tống đạt thông qua người thân trong gia đình.

-         Trong quá trình thảo luận về một số hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự còn tồn đọng, hai Bên nhất trí về sự cần thiết của việc cung cấp thêm thông tin liên lạc (bao gồm cả địa chỉ e-mail) của cán bộ phụ trách thuộc các Cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

-         Hai Bên đã thảo luận về khả năng thi hành các bản án của nước ngoài, cụ thể là trường hợp người bị kết án là công dân của nước được yêu cầu và đã chạy trốn về nước được yêu cầu để trốn tránh thi hành bản án được tuyên tại nước yêu cầu. Phía Séc cho biết pháp luật Séc cho phép thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp như trên. Phía Việt Nam sẽ nghiên cứu và cung cấp thông tin cho phía Séc về quy định của Việt Nam liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp như trên.

Những điểm nêu trên là những kết luận ban đầu, kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi có ý kiến của các cơ quan có liên quan ở cấp quốc gia.

Làm tại Praha, ngày 31 tháng 3 năm 2010, thành hai bản bằng tiếng Anh, các văn bản có giá trị ngang nhau.

THAY MẶT ĐOÀN VIỆT NAM

THAY MẶT ĐOÀN SÉC

Đặng Hoàng Oanh

Trưởng đoàn

Phó Vụ trưởng

Vụ Hợp tác quốc tế

Bộ Tư pháp Việt Nam

 

(đã ký)

Zuzana Fišerová

Trưởng đoàn (phụ trách thảo luận về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại)

Vụ trưởng

Vụ Hợp tác quốc tế về dân sự

Bộ Tư pháp Séc

(đã ký)

Nicole Petrikovitsová,

Trưởng đoàn (phụ trách thảo luận về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự)

Trưởng phòng Pháp luật hình sự quốc tế

Bộ Tư pháp Séc 

(đã ký)

 

PHỤ LỤC I - DANH SÁCH THÀNH VIÊN HAI ĐOÀN CÔNG TÁC

I. THÀNH VIÊN ĐOÀN SÉC

1.      Bà Zuzana Fišerová – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về lĩnh vực dân sự

2.      Ông Jakub Pastuszek – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về lĩnh vực hình sự

3.      Bà Marta Zavadilová – Trưởng phòng Pháp luật dân sự quốc tế

4.      Bà Nicole Petrikovitsová – Trưởng phòng Pháp luật hình sự quốc tế

5.      Bà Anna Šlechtová – Phòng Pháp luật dân sự quốc tế

6.      Bà Pavla Belloňová – Phòng Pháp luật dân sự quốc tế

7.      Bà Kateřina Kučerová – Phòng Pháp luật hình sự quốc tế

8.      Bà Vlasta Tylková - Phòng Pháp luật hình sự quốc tế

9.      Bà Světlana Kloučková – Văn phòng Tổng công tố

10. Bà Alice Kopřivová – Bộ Ngoại giao

11. Ông Ivo Svoboda – Bộ Ngoại giao.

II. THÀNH VIÊN ĐOÀN VIỆT NAM

1.      Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp - Trưởng đoàn

2.      Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

3.      Bà Bùi Thị Dung Huyền, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu pháp luật dân sự, kinh tế và thương mại, Viện Khoa học xét xử, Tòa án nhân dân tối cao

4.      Ông Lê Hoàng Nam, Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ

5.      Ông Nguyễn Quang Anh, Chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước

6.      Ông Phạm Văn Công, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Công an

7.      Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chuyên viên Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao

8.      Bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Tương trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp

9.      Bà Dương Thiên Hương Phó Trưởng phòng Phòng Tương trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp

10.   Bà Lưu Lan Phương, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

Dương Thiên Hương - Phòng Tương trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế