Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại Bình Dương: Nhân rộng, phát triển “sáng kiến”

05/05/2010
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại Bình Dương: Nhân rộng, phát triển “sáng kiến”
Ngày 05/5, Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính dẫn đầu đã đến thăm, làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương và đóng góp một số ý kiến về hoạt động của tư pháp địa phương.

Không làm khổ dân

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, bà Trần Nhất Huấn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương nói về vai trò của về tư pháp địa phương, khẳng định tầm quan trọng của Sở trong lĩnh vực kiểm tra văn bản. Ngoài ra, trong công tác bổ trợ tư pháp, nhất là công chứng, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành quyết định về chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản, tài sản gắn liền đất cho các tổ chức công chứng... Song, việc chuyển giao chứng thực còn gặp nhiều khó khăn về địa lí khi có xã cách tổ chức công chứng có nơi lên đến gần 30 km.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho rằng “việc chuyển giao không nên quá “nguyên tắc”, đừng để người dân “lặn lội” vài chục km để chứng thực. Nên thực hiện chuyển giao chứng thực cho công chứng tại nơi có tổ chức công chứng hoặc tại các xã lân cận, hạn chế tối đa phiền hà cho dân. Đặc biệt, khi có văn phòng công chứng (VPCC) ra đời thì Sở cần tạo điều kiện để họ “sống được” và phát triển. Thứ trưởng yêu cầu, việc chuyển giao phải thực hiện dựa trên các căn cứ nhưng đảm bảo quyền lợi của dân. Được biết, theo lộ trình của Sở, từ nay đến năm 2012, Bình Dương sẽ “phủ sống” VPCC ở tất cả các huyện; đến năm 2015, các huyện lớn (dân cư đông) sẽ có từ 2 đến 4 VPCC.

Về lĩnh vực giám định tư pháp, tại Bình Dương đoàn công tác tiếp tục nghe “than” về chế độ đãi ngộ nên rất khó tuyển dụng nhân sự. Đây không chỉ là vấn đề của Bình Dương mà của chung cả nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng công tác giám định - lĩnh vực có “vô vàn” các vấn đề. Cái khó là mình (ngành Tư pháp - PV) làm đầu mối quản lý Nhà nước nhưng “quân” lại của các cơ quan khác nên khi thực hiện công việc thường gặp những khó khăn nhất định, cần phải cố gắng tự mình khắc phục. Bình Dương đang phát triển trở thành địa phương mạnh trên mọi lĩnh vực, nếu bức tranh như hiện tại thì giám định tư pháp sẽ bị lạc hậu - Thứ trưởng cảnh báo.

Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng đánh giá cao bộ máy tư pháp huyện, xã trong tỉnh. Cụ thể: xã nào cũng có công chức chuyên trách tư pháp - hộ tịch; 49/92 xã, phường, thị trấn có 2 công chức chuyên trách có Phòng Tư pháp đến; 5 biên chế…

Nhân rộng phần mềm quản lý THA

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Cục trưởng Cục THADS Bình Dương cho biết: Kết quả THA về việc trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 49,27% trên số việc có điều kiện thi hành, giảm 2,95% so với cùng kỳ năm 2009; Về tiền, số có điều kiện thi hành là gần 513 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 55,55% trên tổng số tiền phải thi hành. Nguyên nhân án chưa có điều kiện thi hành tăng cả về số việc và giá trị tài sản là do loại án hình sự có mức hình phạt bồi thường thiệt hại lớn nhưng người phải THA không có tài sản, nhiều trường hợp đã xử lý kê biên, ủy quyền bán đấu giá nhưng chưa bán được, tài sản đang thế chấp, tranh chấp... Ngoài ra, còn phát sinh nhiều vụ án phá sản: Cục hiện đang thụ lý 7 vụ, TAND vừa tiếp nhận thêm 4 vụ. Với lực lượng nhân sự như hiện nay của Cục (97/102 biên chế) so với số việc phải thi hành là “vô lý” - ông Hoàng Sỹ Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp nhận xét. Ông hứa sẽ đề nghị Bộ xem xét tăng biên chế cho Cục THADS Bình Dương.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính kết luận, dù Bình Dương có biên chế ít, nhưng hoàn thành công việc lớn. Điểm nổi bật là Bình Dương xây dựng được phần mềm quản lý số liệu nối mạng với tất cả các Chi cục trên địa bàn, rất thuận lợi cho công tác thống kê, nắm bắt số liệu chính xác trong quản lý. Thứ trưởng yêu cầu Cục nghiên cứu nếu phần mềm này vận hành tốt thì nhân rộng cho cả nước, đồng thời xem xét “chế độ thưởng” cho người viết phần mềm. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục gia tăng công tác “đối ngoại”, tiếp cận bằng được lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã để trình bày khó khăn của đơn vị mình, kể cả trao đổi thông tin với Sở Tư pháp, TAND, VKSND...

Phong Trần