Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại Tây Ninh: Lý giải về tầm quan trọng của Tư pháp

05/05/2010
Hôm qua (4/5), Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh về tình hình hoạt động công chứng; giám định tư pháp và công tác luật sư ở trên địa bàn tỉnh.

Trình bày với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Rộng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, hiện tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp (Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an tỉnh và Phòng Giám định Pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có trụ sở làm việc với các thiết bị hết sức giản đơn. Còn lại các lĩnh vực khác đều không có trụ sở làm việc; và chỉ thực hiện giám định khi có yêu cầu. Các bác sỹ tư pháp dù đã được mời gọi nhưng khó giữ chân được họ, bởi chế độ không hấp dẫn, họ sẵn sàng bỏ việc để “đầu quân” cho các bệnh viện - nơi có thu nhập cao, ổn định.

Về chuyển giao việc chứng thực hợp đồng giao dịch từ UBND sang các tổ chức hành nghề công chứng. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc chuyển giao việc chứng nhận hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Theo đó, có 5 huyện, thị thực hiện việc chuyển giao theo đúng tinh thần của Bộ Tư pháp. Về công tác nhân sự, nguồn cán bộ tuyển vào ngành rất hiếm, không riêng Sở mà VKSND và tòa án cũng không ngoại lệ. Hiện tỉnh đang phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng đề cương nhằm tạo nguồn nhân lực cho tỉnh - ông Rộng cho biết.

Liên quan đến lĩnh vực công chứng, mà Sở cho rằng cử tri phản ánh khó khăn do người dân phải đi xa, lệ phí cao... Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp giải thích: Việc này Bộ đã có hướng dẫn, theo đó nơi nào có tổ chức công chứng thì triển khai việc chuyển giao ngay. Băn khoăn về câu chuyện tuyển dụng, TS. Lê Tiến Châu, Phó trưởng Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM đặt vấn đề: “Về nguồn tuyển dụng, chúng tôi được biết, hiện có nhiều người muốn về với ngành Tư pháp, nhưng thực tế thì rất khó, vậy không biết khó khăn là ở đâu”(?!)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính chỉ đạo: Về tổ chức bộ máy, Sở triển khai đề án thì phải xây dựng đề án cho huyện và xã chứ không thể chỉ có đề án của Sở, và như thế Sở mới trình lên UBND tỉnh. Thứ trưởng cho rằng, về vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Sở, cần lý giải cho được sự cần thiết của ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ trưởng khẳng định, việc tỉnh tạo nguồn cho ngành Tư pháp là một hướng đi đúng, theo đó Sở cần tiếp tục mở lớp đào tạo trung cấp luật, chứ không thể ngồi “khoanh tay” vì khó khăn; Cũng không nên nghĩ là đào tạo cán bộ rồi đi nơi khác làm thì uổng, mà nhận thức rằng, những cán bộ đã được trang bị kiến thức pháp luật mà đi công tác nơi khác thì chính họ là người đóng góp cho mặt bằng kiến thức pháp luật trên địa bàn ngày nâng lên - đó cũng là nguồn nhân lực cho xã hội. Từ đó thúc đẩy các cơ quan Nhà nước khác cùng phát triển - Thứ trưởng nhấn mạnh. Về giám định tư pháp, hiện tỉnh yếu “toàn thân”. Do đó, tỉnh cần linh hoạt trong tuyển dụng, bởi có trường hợp chưa có bằng đại học nhưng lại rất giỏi về lĩnh vực chuyên môn mà mình cần thì nên lấy vào. Bên cạnh đó, Sở phối kết hợp với Sở Y tế, Xây dựng... tìm sự quan tâm, ủng hộ các sở, ngành trên địa bàn... Về chuyển giao các hợp đồng giao dịch từ UBND sang cho các tổ chức công chứng thực hiện, Thứ trưởng nhận định, Tây Ninh thực hiện tương đối tốt, nhưng cần linh hoạt và uyển chuyển.

Phong Trần