Hợp tác Việt Nam - Thụy Điển trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

06/05/2010
Hợp tác Việt Nam - Thụy Điển trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp
“Hợp tác phát triển giữa Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trong những năm qua đã góp phần tích cực hỗ trợ Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 và Chiến lược Cải cách tư pháp giai đoạn 2005-2020”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền ghi nhận trong buổi tiếp Ngài Jan Knutsson Tổng Vụ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế, Bộ Ngoại giao Thụy Điển sáng ngày 5/5/2010 tại trụ sở Bộ Tư pháp.

Thành công của các Dự án: Tăng cường công tác đào tạo luật tại Việt Nam;  Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam; Hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam; Hoạt động hỗ trợ xây dựng Luật Luật sư... là những minh chứng cho quan hệ hợp tác hiệu quả, thiết thực giữa Việt Nam và Thụy Điển trong giai đoạn vừa qua.

Thay mặt Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Thụy Điển, Ngài Tổng Vụ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế, Bộ Ngoại giao Thụy Điển bày tỏ vui mừng nhận thấy sự trợ giúp của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Ngài Tổng Vụ trưởng cho biết, là những người bạn, là đối tác có truyền thống hợp tác với Việt Nam, Thụy Điển đặc biệt quan tâm tới chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam. Tuy đang có những thay đổi trong Chiến lược hợp tác với Việt Nam, Chính phủ Thụy Điển vẫn duy trì viện trợ phát triển cho lĩnh vực pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Hiện tại Thụy Điển là một trong ba nhà tài trợ của Chương trình Đối tác Tư pháp[i], trong đó Thụy Điển cùng với Đan Mạch, tập trung hỗ trợ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Hợp phần 2, Chương trình Đối tác Tư pháp) để Liên đoàn từng bước thực hiện vai trò đại diện cho giới luật sư; hỗ trợ sáng kiến tư pháp của các tổ chức phi Chính phủ (Hợp phần 3, Chương trình Đối tác Tư pháp) nhằm tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các hoạt động phù hợp với Chiến lược cải cách tư pháp. Chương trình Đối tác Tư pháp là một Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam về quy mô tài chính, số lượng các nhà tài trợ và các cơ quan, tổ chức Việt Nam cùng tham gia.  Chương trình được đồng tài trợ bởi ba đối tác nước ngoài là Liên minh châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch. Chính vì vậy, Ngài Tổng Vụ trưởng đề cập vấn đề phối kết hợp của các nhà tài trợ, hài hòa hóa các thủ tục, quy trình cung cấp viện trợ nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính để phía Việt Nam có thể tập trung sử dụng nguồn tài trợ một cách hiệu quả.

Mở rộng quan điểm này, Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng để khai thác nguồn hỗ trợ hạn chế của các nhà tài trợ một cách tối ưu, không chỉ cần có sự hài hòa hóa chính sách của các nhà tài trợ mà chính các đối tác Việt Nam cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, xem xét kỹ các vấn đề thực sự là ưu tiên của toàn ngành, tránh sự trùng lắp, lãng phí trong quá trình thực hiện các Dự án hợp tác phát triển. Đánh giá cao thiện chí của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của Chính phủ Thụy Điển nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh dân chủ và bảo vệ công lý./.

Dương Thị Hiền


[i] Chương trình Đối tác Tư pháp do Liên minh châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch đồng tài trợ. Các đối tác Việt Nam tham gia chính vào Chương trình gồm có Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Chương trình có mục tiêu chung là hỗ trợ các cơ quan tư pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 trong đó có tập trung vào xây dựng và hoàn thiện các dự luật liên quan tới tổ chức của các cơ quan tư pháp và các luật tố tụng của Việt Nam như Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Luật sư; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, luật sư, trợ giúp pháp lý… theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Chương trình có 3 hợp phần, bao gồm: Hợp phần I: “Tăng cường năng lực các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp”; Hợp phần II “Hỗ trợ nâng cao vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hợp phần III, “Tăng cường năng lực của các tổ chức phi chính phủ nhằm góp phần nâng cao nhận thức về các quyền cơ bản, tiếp cận công lý và cải cách tư pháp”. Tổng ngân sách chương trình được ước tính khoảng 20.1 triệu Euro trong đó các nhà tài trợ cam kết đóng góp 18.7 triệu Euro. Chương trình được thực hiện trong năm năm rưỡi từ 01 tháng 01 năm 2010./.