Cân nhắc kỹ vì vấn đề năng lực
Dự án Luật Hộ tịch được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đã từng được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện.
Một trong những quy định được coi là đột phá của dự án Luật Hộ tịch, được dư luận xã hội hết sức quan tâm là việc giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch về cho cấp xã (kể cả các việc có yếu tố nước ngoài mà trước đây thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện).
Ông Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: ”Việc giao tất cả thẩm quyền thực hiện công tác hộ tịch cho cấp xã cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ hơn. Cụ thể, về điều kiện từ con người, cơ sở vật chất… chưa thể đáp ứng được yêu cầu; nhất là những việc liên quan đến yếu tố nước ngoài (về pháp luật, về ngoại ngữ…)”. Hơn nữa, cũng theo ông Hồng, việc thực hiện công tác hộ tịch đối với người nước ngoài quy định trong dự thảo Luật sẽ làm phát sinh thêm thủ tục, thời gian (cấp xã nhận và chuyển hồ sơ lên xin ý kiến cấp huyện, cấp huyện duyệt xong lại chuyển về xã để đăng ký)…, quy định như vậy sẽ không thể xác định được trách nhiệm khi có vi phạm. ”Nên chăng, về cơ bản công tác hộ tịch vẫn giao cho cấp xã thực hiện, đối với việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì do cấp huyện thực hiện là phù hợp với năng lực trình độ cán bộ, công chức nước ta hiện nay” - ông Hồng đề xuất.
Thừa nhận “mô hình đăng ký hộ tịch như hiện nay có điểm chưa hợp lý”, bà Nguyễn Thị Dung, Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng cần mạnh dạn phân cấp cho cấp xã đảm nhận là chủ yếu. Tuy nhiên, theo bà Dung, hiện ở cấp này chỉ có một cán bộ Tư pháp, hộ tịch, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, do đó theo bà Dung “việc thực hiện mô hình đăng ký hộ tịch ở 2 cấp (cấp huyện, cấp xã) là hợp lý. Cụ thể đối với đăng ký hộ tịch trong nước thì giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện, không hạn chế độ tuổi như hiện nay. Còn đối với việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài nên giao cho cấp huyện đảm nhiệm vì vấn đề này liên quan đến việc xác minh, phải nắm rõ pháp luật trong nước cũng như pháp luật quốc tế và pháp luật của từng quốc gia có liên quan, có đủ trình độ, điều kiện trong giao dịch với người nước ngoài (về ngoại ngữ…).
Là cấp vừa quản lý, vừa đăng ký hộ tịch, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội đồng tình: với số lượng, trình độ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã vừa thiếu vừa yếu hiện nay, thì cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp để tránh sự xáo trộn lớn trong công tác đăng ký hộ tịch. Trong thời gian chuyển tiếp ông Nam đề nghị phân cấp việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho cấp huyện, cấp xã chỉ thực hiện việc đăng ký hộ tịch trong nước.
Chuẩn hóa đội ngũ là yêu cầu cấp thiết
Để thực hiện việc phân cấp một cách triệt để, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của người dân, theo bà Trần Thị Lệ Hoa, Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp thì vấn đề đặt ra là chuẩn hoá chức danh công chức thực hiện công tác hộ tịch. Theo đó, phải tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp khác, chuyên nghiệp hóa chức danh làm công tác hộ tịch để bảo đảm giảm tải công việc cho công chức Tư pháp - Hộ tịch hiện tại, ổn định vị trí công tác của công chức làm công tác hộ tịch nhằm nâng cao chất lượng công tác hộ tịch cũng như công tác tư pháp khác; để đáp ứng được việc chuyển đổi mô hình đăng ký hộ tịch ở một cấp (cấp xã), dự thảo Luật Hộ tịch cần quy định về nguyên tắc, mỗi xã/phường/thị trấn sẽ bổ nhiệm 01 Hộ tịch viên để giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác hộ tịch.
Trước lo ngại sức ép gia tăng biên chế, theo bà Hoa, hiện cả nước đã có trên 16.000 cán bộ làm công tác tư pháp – hộ tịch. Tức là trung bình mỗi xã/phường đã có 1,5 người làm công tác tư pháp – hộ tịch; nhiều xã/phường đã có từ 02 công chức tư pháp – hộ tịch trở lên. Như vậy, theo quy định của dự thảo Luật, với việc chuyển đổi từ công chức Tư pháp – Hộ tịch thành Hộ tịch viên, đặc biệt với việc Luật giao cho Chính phủ quy định một lộ trình thích hợp trong việc xây dựng chức danh này và xác định những nơi nào thì có Hộ tịch viên chuyên trách, nơi nào thì Hộ tịch viên kiêm nhiệm công tác tư pháp trong một thời gian nhất định, thì chắc chắn sẽ không gây sức ép về mặt biên chế.
Thu Hằng