Thẩm định văn bản: Cần có tư duy sắc sảo hơn

10/01/2013
Để tránh tình trạng văn bản sau khi được ban hành, người dân mới “ngỡ ngàng” không hiểu sao văn bản đó có thể “lọt” qua được cửa cơ quan chức năng, một trong những nhiệm vụ được ngành Tư pháp đặt ra cho năm nay là tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, nhất là các VBQPPL nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đã thể hiện rõ hơn vai trò “người gác cổng”

Nhìn lại những kết quả đã đạt được của năm 2012, Bộ Tư pháp nhận định: “Công tác thẩm định VBQPPL đã đi vào nề nếp, cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng quy định pháp luật, qua đó góp phần thể hiện rõ hơn vai trò “người gác cổng” trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Trung ương và địa phương”.

Trong năm, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 10.184 VBQPPL, trong đó tập trung vào các VBQPPL nhằm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp và các VBQPPL để thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nội dung thẩm định cơ bản xác đáng, làm cơ sở để cơ quan soạn thảo văn bản hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản, đồng thời là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương xem xét ban hành, phê duyệt, thông qua văn bản. Nhiều trường hợp văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các dự án luật, pháp lệnh được đại biểu Quốc hội sử dụng trong quá trình thảo luận các dự án này.

Mở rộng cửa mời chuyên gia, hạn chế tình trạng “khép kín”

Tuy nhiên, nhìn lại sự ồn ào của dư luận đối với một số chính sách được đem ra thực hiện năm 2012 như quy định xử phạt người sử dụng điện thoại di động tại cây xăng, quy định xử phạt xe không chính chủ, thịt lợn chỉ được bán sau khi giết mổ 8 tiếng đồng hồ, chứng minh nhân dân mẫu mới phải mang đủ cả tên cha, tên mẹ... thì có thể thấy công tác này còn nhiều hạn chế. Mà hạn chế có thể nhìn thấy ngay là một số nội dung thẩm định mới chỉ tập trung về mặt pháp lý, chưa chú trọng đúng mức đến khía cạnh kinh tế - xã hội của dự thảo văn bản.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, là đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, nhất là còn tư duy pháp lý thuần tuý, chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Góp ý cho nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an đề nghị Bộ Tư pháp nên mở rộng cửa mời các chuyên gia, các thầy giáo, những người am hiểu thực tế về lĩnh vực mà văn bản đề cập để cùng thẩm định. Vì thẩm định là một khâu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi vậy, người làm công tác này cần có ”tư duy sắc sảo” hơn. 

Một khó khăn khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thẩm định VBQPPL là thực tế ngân sách phục vụ công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL chưa tương xứng, nhất là đối với các văn bản, đề án quan trọng như dự án luật, pháp lệnh, làm hạn chế khả năng nghiên cứu, phân tích chính sách và khả năng mở rộng dân chủ thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân và của các chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình soạn thảo văn bản trước khi trình ban hành.

Để khắc phục những hạn chế này, một trong các giải pháp được ngành Tư pháp xác định thực hiện trong năm nay là mở rộng và tăng cường việc thẩm định dự thảo VBQPPL, kể cả dự thảo các điều ước quốc tế thông qua cơ chế Hội đồng thẩm định. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức vào công tác thẩm định, khắc phục tình trạng “khép kín” trong quá trình thẩm định VBQPPL. Ngành Tư pháp cũng sẽ đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình kịp thời các ý kiến thẩm định, đồng thời nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thẩm định dự thảo VBQPPL và đơn vị có chức năng kiểm soát thủ tục hành chính ở cả Trung ương và địa phương.

Hồng Thúy