Hội tụ để lan tỏa sáng kiến hay, cách làm mới

08/01/2013
Diễn ra trong cái rét đến “cắt da cắt thịt” của Hà Nội nhưng không khí Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2013 vẫn đầm ấm, thân thiện với sự góp mặt của các đại diện đến từ mọi miền tổ quốc. Năm 2012 đi qua với nhiều khó khăn, song ngành Tư pháp đã nỗ lực để vượt lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chào đón một năm mới với những điều tốt lành.

Gần 10 năm sau ngày chia tách tỉnh, Lai Châu hôm nay vẫn bộn bề khó khăn trên mọi mặt của đời sống, đặc biệt là vấn đề đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ tư pháp ở cơ sở. Tuy nhiên, năm 2012 vừa qua lại là năm Tư pháp Lai Châu về đích sớm trên nhiều mặt công tác. Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quang Tản hồ hởi cho biết: Lai Châu đã hoàn thành thủ tục đề nghị nhập tịch cho 58 người chưa có quốc tịch, đã tập huấn các Luật mới được Quốc hội thông qua đến tất cả cán bộ chủ chốt huyện thị. Đặc biệt, năm vừa qua là năm Lai Châu củng cố mạnh mẽ tư pháp cấp xã. “Đến nay 40% số xã ở Lai Châu đã có 2 cán bộ hộ tịch tư pháp, về cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Tản cho biết thêm.

Nhưng, cũng theo Giám đốc Tản, 5 năm nay tư pháp Lai Châu không được bổ sung biên chế “đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thống nhất phương án phân bổ biên chế, phân bổ bao nhiêu phải có con số cụ thể để bảo đảm điều kiện cho địa phương thực hiện”.

Còn từ nơi đất mũi Cà Mau, đang trên đường ra Hà Nội dự Hội nghị tổng kết ngành, Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau Nguyễn Thanh Reo cũng kịp thông tin: đổi mới nhất của ngành năm qua là công tác chỉ đạo điều hành. Từ việc xây dựng kế hoạch, đến đốc thúc, kiểm tra… cơ sở. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt mà công tác tư pháp đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực như xây dựng, thẩm định văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, phổ biến pháp luật…. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn từ tỉnh đến xã. Toàn tỉnh hiện có 203 cán bộ tư pháp (gồm cả biên chế và hợp đồng), bình quân mỗi xã có 2 cán bộ. Tuy nhiên theo Giám đốc Reo “ngành cần quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho cán bộ trong ngành, có cơ chế thu hút cán bộ đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có”.

Năm 2012 là năm tư pháp địa phương có nhiều đóng góp tích cực trong những thành công của ngành nói chung. Thái Bình, Sóc Trăng, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Lăk… và rất nhiều địa phương khác đã có những sáng kiến vượt bậc trong công tác và được Bộ Tư pháp ghi nhận. Về dự Hội nghị lần này, mỗi Giám đốc Sở Tư pháp mang theo một tâm tư, đề xuất kiến nghị riêng. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên mà nhiều địa phương quan tâm đó chính là việc bổ sung biên chế cho cơ quan tư pháp, bởi với những công việc mới sẽ được triển khai trong năm 2013 này, đòi hỏi lực lượng phải được tăng cường….

Năm nay, Hội nghị về công tác Thi hành án dân sự diễn ra trước một ngày so với Hội nghị tư pháp. Là năm kinh tế suy thoái nên những kết quả thi hành án đạt được cũng là sự nỗ lực không nhỏ để “duy trì kết quả bền vững” như Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo trước Quốc hội.

Nằm trong danh sách các đơn vị được nhận cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua 2012, năm qua cũng là năm Cục THADS Đăk Lăk có nhiều cố gắng. Với gần 11 ngàn việc đã thi hành xong, đạt tỷ lệ gần 91%; đã thi hành xong số tiền gần 260 tỷ đồng, đạt trên 80%/số có điều kiện thi hành. Kết quả này theo Cục trưởng THADS Bùi Đăng Thủy do ngành đã áp dụng nhiều biện pháp, đặc biệt phối hợp tốt với các ngành chức năng trong xác minh, thu tiền của phạm nhân trong trại…. Cục trưởng Thủy đề nghị tới đây, cần xem xét sửa đổi Luật THADS để tạo điều kiện hơn cho cơ quan THA cũng như người dân trong quá trình thi hành.

Năm 2012, trong danh sách nhận cờ thi đua, đáng chú ý có rất nhiều các Chi cục THADS địa phương. Điều đó nói lên những nỗ lực ngày càng nhiều của cơ sở. Chị Phạm Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục THADS Thanh Ba, Phú Thọ phấn khởi: từ đầu năm, các cán bộ, chấp hành viên đã quyết tâm thi hành vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, THA Thanh Ba đã thi hành đạt 95% về việc, 83% về tiền. “Tôi mong ngành quan tâm trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ cho công việc”, chị Hương nói.

Bên cạnh những đơn vị có “truyền thống” kết quả cao trong công tác THADS, thì năm 2012 cũng xuất hiện thêm nhiều “gương mặt mới”. Đó là các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… hay các tỉnh mà công tác THADS có nhiều đặc thù như An Giang, Gia Lai, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế… Hơn cả là trong điều kiện khó khăn chung nhưng THA vẫn bám sát nhiệm vụ của ngành, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, nỗ lực giảm án tồn đọng.

Thời gian 2 ngày diễn ra Hội nghị có lẽ không nhiều, những tâm tư nguyện vọng của cán bộ tư pháp, thi hành án có thể chưa nói hết, song những việc mà họ đã làm rất đáng được ghi nhận. Không chỉ những tấm bằng khen mà sự ghi nhận lớn nhất đó chính là từ phía người dân…

Thu Hằng