Sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, những kết quả bước đầu đạt được đã khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động công chứng của Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa và trở thành một trong những dịch vụ công có vai trò tăng cường sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của hoạt động công chứng trong khu vực và thế giới.
| |
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng cũng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập mà một trong những nguyên nhân là do quy định pháp luật về công chứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về công chứng. Trước thực tế đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công chứng năm 2006 nhằm tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển là rất cần thiết.
Tại phiên họp thức nhất này, ngoài việc công bố các quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập còn cho ý kiến về kế hoạch, quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập; nghe và cho ý kiến về báo cáo định hướng xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.
P.V
Phạm vi sửa đổi, bổ sung: Về cơ bản, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng vẫn giữ nguyên đối tượng, phạm vi và những nội dung cơ bản của Luật Công chứng hiện hành. Dự án Luật chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề thật sự bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay. Với định hướng này, Dự án Luật dự kiến sửa đổi 13 Điều và bổ sung từ 8 đến 10 Điều mới so với Luật Công chứng hiện hành. |