Ngành Tư pháp triển khai cải cách tư pháp: Khẳng định vị trí của cơ quan tư pháp trong sự phát triển

02/01/2013
Tham gia tích cực trong cải cách tư pháp, ngành Tư pháp đã khẳng định “tinh thần trách nhiệm và quyết tâm lớn trong việc giúp tạo ra cho đất nước hệ thống tư pháp phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền”, góp phần đưa công cuộc cải cách tư pháp ngày càng gần đến mục tiêu “xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”.

Nền móng vững chắc thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền

Qua 7 năm thực hiện cải cách tư pháp, “các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đã đánh giá vị trí của công tác tư pháp xứng tầm với vị thế của nó, đã khởi dậy và duy trì tính chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức tư pháp”. Các kết quả cải cách tư pháp bước đầu, mức độ ảnh hưởng chưa nhiều, chưa sâu sắc, chưa thật bền vững nhưng “có ý nghĩa rất quan trọng cho giai đoạn tiếp theo, tạo nền móng vững chắc cho việc tiếp tục công cuộc cải cách tư pháp, thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền giai đoạn 2011-2015” là đánh giá chung của các chuyên gia pháp lý và các nhà tài trợ thực hiện Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” (giữa Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc – UNDP) về hoạt động của ngành Tư pháp thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp tại các Diễn đàn đối tác pháp luật được tổ chức hàng năm, cũng như các sự kiện khác liên quan đến hoạt động tư pháp và pháp luật.

Với vai trò tham mưu về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã góp phần giúp Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nhiều định hướng quan trọng của cải cách tư pháp, tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp, có thể kể đến là đạo luật được ban hành trong những năm gần đây như Luật Thi hành án dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính… và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các đạo luật thể chế hóa đúng đắn, nhất quán các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TƯ, không chỉ tháo gỡ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bức xúc của thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các hoạt động tư pháp, thúc đẩy việc khơi dậy tiềm năng to lớn của xã hội vào phát triển hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tư pháp, đặc biệt là hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân.

Trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, Ngành Tư pháp đã tạo ra nhiều điểm đột phá quan trọng và có hiệu quả trong quản lý các hoạt động tư pháp và dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. “Những cố gắng của ngành Tư pháp trong xây dựng thể chế, tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động tư pháp và dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Từ đó, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục khẳng định, vị thế của Ngành từ TƯ đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường” - GS.TS.Lê Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp) nhận xét.

Thách thức vẫn “đón” phía trước

Tiếp tục những bước đi của giai đoạn trước, từ năm 2013, Ngành Tư pháp đã sẵn sàng với việc thực hiện các nhiệm vụ trong cải cách tư pháp, nổi bật là đề án chuyển giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án, theo dõi, quản lý hoạt động thi hành pháp luật, giúp Chính phủ soạn thảo trình Quốc hội ban hành hai bộ luật “rường cột” là dân sự và hình sự để đáp ứng yêu cầu mới của phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới, tạo được những bước đột phá trong công tác thi hành án.

Các nhiệm vụ đặt ra cũng là những khó khăn nếu không được thực hiện sẽ không thể hoàn thành việc cải cách tư pháp. Song thực hiện các nhiệm vụ này, Ngành Tư pháp sẽ phải đương đầu với những thách thức không nhỏ khi một số đề án những vấn đề rất mới, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành như thống nhất quản lý công tác thi hành án và tiếp tục thí điểm mở rộng chế định thừa phát lại.

Hiện công tác thi hành án đang do Bộ Công an (thi hành án hình sự) và Bộ Tư pháp (thi hành án dân sự, hành chính) quản lý theo hai đạo luật thi hành án dân sự và thi hành án hình sự nên cần phải sửa đổi nhiều luật liên quan để hình thành các điều kiện thể chế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai. Chế định thừa phát lại là một mô hình mới của việc xã hội hóa một số nội dung trong hoạt động tư pháp nói chung, thi hành án dân sự nói riêng nên cần đến những tư duy và nhận thức mới của các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm, nguyên tắc của hoạt động tư pháp mà không dễ dàng hình thành được trong thời gian ngắn như thực tế triển khai thí điểm 2 năm qua tại TP.HCM.

Ngoài ra, một số hoạt động bổ trợ tư pháp, thi hành án của Ngành Tư pháp có sự liên quan, gắn bó với mô hình, tổ chức, hoạt động của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, điều tra. Tuy nhiên, đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực vẫn chưa được thực hiện đúng tiến độ khiến các hoạt động của ngành Tư pháp phải “dậm chân tại chỗ”… chờ.

Một số nhiệm vụ cải cách tư pháp của Ngành liên quan đến quá trình thiết kế tổng thể bộ máy nhà nước trong lúc đó những định hướng lớn cho quá trình này vẫn đang còn phải được xem xét để hiến định trong Hiến pháp 1992 sửa đổi. Những vấn đề liên quan đến điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là về hệ thống tổ chức cơ quan tư pháp đang được xem xét sửa đổi phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp.

Một thách thức “lâu đời” nữa là chính là năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp và “sức ép” của khối lượng công việc chuyên môn. Không phải đến giờ Ngành Tư pháp và các cơ quan tư pháp mới phải giải quyết thách thức này. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, với những nhiệm vụ mới được bổ sung, “gánh nặng” này càng trở nên khó “giảm” hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, các ngành về một số vấn đề, lĩnh vực của cải cách tư pháp nói chung và hoạt động của Ngành Tư pháp nói riêng còn chưa thống nhất nên hạn chế đáng kể đến việc triển khai và hiệu quả của công tác tư pháp và cải cách tư pháp trong lĩnh vực hoạt động của Ngành Tư pháp…

Dẫu kết quả và khó khăn vẫn song hành trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Ngành Tư pháp, song Ngành vẫn không ngừng nỗ lực để “lao” vào công cuộc cải cách tư pháp bởi đó là con đường để “đảm bảo tốt hơn cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cơ quan tư pháp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội”./.

Hương Giang

Tính từ ngày 1/10/2010 đến 30/9/2011, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 95% đề án văn bản trình cấp có thẩm quyền (tăng 2,4% so với năm 2010), 44,8% đề án, văn bản thuộc thẩm quyền do Bộ ban hành hoặc liên tịch ban hành (tăng 5,18% so với năm 2010). Kể từ ngày 1/5/2005 đến nay, Bộ Tư pháp chủ trình giúp Chính phủ xây dựng hoặc phối hợp với các cơ quan khác giúp Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội đã thông qua 15 Luật, Bộ luật; 5 Pháp lệnh và 8 Nghị quyết về lĩnh vực tư pháp, tạo tiền đề tích cực cho việc xây dựng một nền tư pháp công khai, minh bạch, độc lập, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Tổ chức cơ quan thi hành án được kiện toàn một bước, tạo tiền đề cần thiết cho việc quản lý thống nhất công tác thi hành án vào một đầu mối. Riêng năm 2012, Bộ đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 630 người, đưa tổng số số luật sư trong cả nước lên gần 7.514 luật sư, tăng 4,3% so với năm 2011. 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã có văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hóa. Đến tháng 10/2012 có 1.133 công chứng viên (tăng 25% so với năm 2011), 628 tổ chức hành nghề công chứng (tăng 20% so với năm 2011), 5 Hội công chứng địa phương…