Kết luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) tại phiên họp Ban soạn thảo lần thứ nhất

26/12/2012
Ngày 07/12/2012, Ban soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Quy chế làm việc của Ban soạn thảo, Tổ biên tập; Kế hoạch xây dựng dự án Luật; Kế hoạch tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và dự thảo Báo cáo về mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn trong việc xây dựng dự án Luật.

Phiên họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó trưởng Ban soạn thảo và các thành viên Ban soạn thảo, các thành viên Tổ biên tập, một số chuyên gia, nhà khoa học.

Sau khi nghe công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo về nội dung các tài liệu do Tổ biên tập trình, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo đã kết luận như sau:

I. Về dự thảo quy chế làm việc của Ban soạn thảo, Tổ biên tập

Về cơ bản, nhất trí với những nội dung của dự thảo Quy chế làm việc của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Đề nghị Tổ biên tập tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chế theo hướng làm rõ và đậm nét hơn trách nhiệm của Tổ biên tập, đặc biệt là trách nhiệm của Tổ biên tập trong việc chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Ban soạn thảo. Khi tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập phải cơ bản nhất trí nội dung các vấn đề trình Ban soạn thảo, chỉ báo cáo những vấn đề lớn hoặc còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất để xin ý kiến của Ban soạn thảo.

II. Về kế hoạch xây dựng dự án luật

Đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu, hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, cụ thể:

1. Thực hiện các thủ tục đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh (chính thức) trong năm 2014.

2. Báo cáo Chính phủ cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, những vấn đề quan trọng, định hướng lớn xây dựng dự án Luật vào tháng 5/2013.

3. Đây là một dự án Luật lớn, có nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành và do vậy, kế hoạch tổ chức các phiên họp của Ban Soạn thảo tối thiểu phải 06 lần, mỗi phiên họp cần xác định rõ nội dung cụ thể, để từ đó xác định, cân đối thời điểm tổ chức từng phiên; đồng thời, lập kế hoạch, xác định rõ các hoạt động chính của Tổ biên tập.

4. Xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể trong nước và ở nước ngoài, nhằm học tập kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nếu cần thiết xây dựng nội dung, kế hoạch tài trợ từ các Dự án hợp tác về pháp luật, trong đó có các Dự án hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì thực hiện.

5. Về hoạt động đánh giá tác động của dự án Luật, đây là vấn đề quan trọng, cần xây dựng kế hoạch với các hoạt động cụ thể.

6. Tổ biên tập cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông, từ đó tổng hợp dư luận, định hướng dư luận để đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng dự án Luật.

III. Về kế hoạch tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008

1. Về cơ bản, nhất trí với việc tổ chức tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật năm 2008). Nghiên cứu, cân nhắc việc tổng kết Luật năm 2008 ở một số địa phương, gắn với việc tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004. 

2. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng kết theo mục tiêu hợp nhất 02 luật; đồng thời, xác định rõ nội dung tổng kết, đối tượng tổng kết trên cơ sở phân loại cụ thể theo trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi đối tượng; kết hợp việc tổng kết chung với việc tổng kết theo chuyên đề, chẳng hạn Văn phòng Chính phủ tổng kết việc hướng dẫn thi hành pháp luật; Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật, việc áp dụng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vào công tác xét xử trong điều kiện đang triển khai xây dựng án lệ; Văn phòng Quốc hội và Ủy ban pháp luật tổng kết công tác phối hợp xây dựng luật, pháp lệnh và công tác thẩm tra; khối các cơ quan khác như Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổng kết các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình,… 

IV. Về dự thảo báo cáo về mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn trong việc xây dựng dự án luật

Đề nghị Tổ biên tập, trên cơ sở ý kiến của các thành biên Ban soạn thảo, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Báo cáo về mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn trong việc xây dựng dự án Luật để tiếp tục trình Ban soạn thảo cho ý kiến chính thức tại phiên họp lần thứ 2, cụ thể như sau:

1. Bổ sung nội dung về bối cảnh xây dựng dự án Luật, như thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam, quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật…

2. Bổ sung và làm rõ nội dung dự báo việc hoàn thiện hệ thống pháp luật từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 hoặc lâu hơn nữa và từ nội dung dự báo, xác định mục tiêu hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

3. Làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật, nhất là sự cần thiết, lý do của việc hợp nhất 02 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

4. Làm rõ hơn nữa mục tiêu xây dựng Luật như việc hoàn thiện thể chế xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hiện các khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

5. Về quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật, đề nghị nghiên cứu, xác định rõ, đầy đủ, nội dung đúng tầm hơn, gắn với thực trạng hiện nay, với việc khắc phục những tồn tại, sự cản trở của các quy định pháp luật đối với sự phát triển của xã hội, sự tự do, sáng tạo của người dân… từ đó làm thay đổi theo hướng đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

6. Về các định hướng lớn xây dựng dự án Luật, Tổ biên tập đã trình Ban soạn thảo nhiều vấn đề, song việc nêu vấn đề vẫn còn có sự nhầm lẫn. Đề nghị Tổ biên tập tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo; đồng thời, nghiên cứu xác định rõ các vấn đề lớn (từ khái niệm văn bản, hình thức văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình…) và nghiên cứu nhóm các vấn đề, tránh dàn trải. Riêng phạm vi điều chỉnh, đề nghị xác định việc không điều chỉnh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; quy trình tham gia và ký kết các Điều ước quốc tế.

V. Về tổ chức phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo

Đề nghị Tổ biên tập, sau phiên họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo, tổ chức các hoạt động sau:

1. Hoàn thiện Báo cáo về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và định hướng lớn trong việc xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất).

2. Dự kiến phân công các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, ngành và địa phương.

3. Nghiên cứu xây dựng Đề cương Báo cáo tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004.

4. Tổ chức phiên họp Ban soạn thảo lần thứ hai, cụ thể như sau:

Về thời gian tổ chức: sau ngày 20/01/2013.

Về nội dung phiên họp, Ban soạn thảo thảo luận, cho ý kiến các tài liệu sau:

- Báo cáo về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và định hướng lớn trong việc xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Đề cương Báo cáo tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;

- Dự kiến phân công thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, ngành và địa phương.

T.A.Đ - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật