Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) – Phần Vật quyền

28/12/2012
Ngày 27/12/2012, tại Thành phố Nha Trang, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Dự án JICA) tổ chức “Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - Phần Vật quyền”.

Tham dự Tọa đàm có gần 40 đại biểu đến từ Khoa Luật - Đại học Huế, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư và Tỉnh Hội Luật gia Khánh Hòa. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) và ông Takeshi Nishoka, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì Tọa đàm.

Các ý kiến tham luận tại Tọa đàm đã thống nhất, sự tồn tại của vật quyền trong cuộc sống là đương nhiên, nhưng việc phân biệt rõ ràng vật quyền và quyền về tài sản trong Bộ luật Dân sự là vấn đề hết sức khó khăn ngay cả đối với một số nước có nền pháp lý lâu đời và tiên tiến trên thế giới như Đức, Nhật Bản…. Ở nước ta, những năm qua, kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng, nhưng các quy định của pháp luật về dân sự chưa theo kịp để điều chỉnh. Do vậy, thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi các quy định về tài sản và quyền sở hữu tài sản của Bộ luật Dân sự hiện hành cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Nhiều đại biểu đã có ý kiến băn khoăn về các vấn đề như có cần phải định nghĩa trong Bộ luật Dân sự khái niệm về tài sản, về vật quyền? những vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý của việc đăng ký bất động sản; việc quy định các hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự, nhất là đối với đất đai; vai trò của công chứng trong các hợp đồng chuyển dịch bất động sản; các loại hình thức về vật quyền, quyền sở hữu và các quyền khác trong quan hệ dân sự; vấn đề mối quan hệ giữa quy định vật quyền trong Bộ luật Dân sự với các Luật chuyên ngành khác…

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe chuyên gia pháp luật của Dự án JICA giới thiệu những quy định cơ bản về tài sản và quyền sở hữu tài sản trong Bộ luật Dân sự của Nhật Bản. Ngoài ra, các chuyên gia pháp luật của Dự án JICA và đại biểu tham dự đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những kinh nghiệm trong thực thi pháp luật về sở hữu và thảo luận nhằm đưa ra những kiến nghị sửa đổi chế định về sở hữu trong Bộ luật Dân sự của nước ta.

Đặng Hữu