Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013

09/01/2013
Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013
Sáng 09/01, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 đã được long trọng tổ chức tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham gia Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án địa phương, pháp chế các Bộ, ngành.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2012, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định: Công tác tư pháp năm 2012 đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội, Chính phủ, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực như: đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tiến độ và chất lượng; công tác xây dựng thể chế có nhiều tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc chỉ đạo điều hành các mặt phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước; thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tiếp tục được đơn giản hóa và kiểm soát chặt chẽ, bước đầu hình thành cơ chế thống nhất, đồng bộ giữa xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Công tác hành chính tư pháp đã đi vào nền nếp, giải quyết một khối lượng lớn yêu cầu của người dân trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, THADS được đẩy mạnh, phù hợp với xu thế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; công tác THADS sau 3 năm rưỡi triển khai thi hành Luật THADS tiếp tục phát triển bền vững; công tác đào tạo cán bộ pháp luật cho cơ sở được đẩy mạnh; công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đã bước đầu đi vào chiu sâu, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Những kết quả nêu trên đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung của địa phương, đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định; vị trí của Ngành từ Trung ương tới địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường; Ngành được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới.

Có được những thành công nêu trên trước hết là ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự phối kết hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch công tác Ngành được thực hiện bài bản, khoa học hơn, bám sát trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp thực hiện phù hợp; chú trọng hoàn thiện thể chế và tăng cường chủ trương hướng về cơ sở, tập trung giải quyết các "điểm nghẽn" từ cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Chưa có những giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp, tính khả thi chưa cao; tiến độ, chất lượng xây dựng, thẩm định VBQPPL còn hạn chế, nhất là việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch; công tác PBGDPL ở một số địa bàn vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chưa sâu, chậm được đổi mới, còn thủ công, chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc triển khai thi hành các Luật mới như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn chậm; công tác xã hội hóa trong các hoạt động bổ trợ tư pháp tuy đã đạt được những kết quả bước đầu những vẫn còn những bất cập, thiếu tính bền vững; số vụ việc khiếu nại, tố cáo, hiện tượng tiêu cực trong THADS có chiều hướng gia tăng, đáng báo động; chất lượng yếu tố con người và các nguồn lực khác phục vụ công tác pháp luật và tư pháp còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nêu trên là: số lượng, khối lượng nhiệm vụ bổ sung của ngành Tư pháp trong thời gian qua là tương đối nhiều, trong khi đó tổ chức, biên chế, kinh phí để triển khai còn hạn chế, đặc biệt là biên chế cho tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế; chính sách thu hút đội ngũ công chức làm công tác pháp chế chậm được ban hành; tính chủ động trong việc triển khai công việc của các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương còn chưa cao; công tác phối hợp cả trong và ngoài Ngành thời gian qua đã được tăng cường và mở rộng, tuy nhiên chất lượng phối hợp trong việc triển khai công việc còn bất cập, đặc biệt là công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ trong việc giải quyết vướng mắc về tổ chức, biên chế làm công tác tư pháp, pháp chế còn nhiều hạn chế; việc đề xuất kế hoạch công tác từ đầu năm còn chưa sát thực tế, dẫn đến một số nhiệm vụ xin lùi thời điểm hoàn thành hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ, nhất là trong công tác xây dựng các VBQPPL liên tịch. Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng rất quan trọng là do nhận thức của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng vị trí, vai trò công tác tư pháp, pháp chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội dẫn đến việc bố trí chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.

Bước sang năm 2013, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của nước ta. Trong nước, những hạn chế, bất cập nội tại của thể chế pháp luật ngày càng bộc lộ rõ hơn, có tác động tiêu cực đến các mặt kinh tế - xã hội, tạo thêm khó khăn mới cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ máy nhà nước nói chung và của Ngành Tư pháp nói riêng. Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, toàn Ngành tư pháp đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp chủ yếu để thực hiện với  quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hội nghị còn được nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng giới thiệu Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về sửa  đổi Hiến pháp năm 1992; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn trình bày bày báo cáo kinh nghiệm kiểm soát thủ tục hành chính và  việc vận dụng xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ở phần thảo luận do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì, Hội nghị đã được nghe Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Trí chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác tư pháp địa phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung báo cáo về  kinh nghiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của pháp chế Bộ Tài chính; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng giới thiệu kinh nghiệm trong công tác thẩm định, kiểm tra văn băn quy phạm pháp luật ở địa phương. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với các báo cáo đã được trình bày tại Hội nghị và khẳng định: trong năm 2012, công tác tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được và mong muốn toàn Ngành tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh công tác tư pháp không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Tư pháp, mà còn là trách nhiệm chung của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

Thủ tướng cũng đề nghị, trong năm 2013 ngành Tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao chất lượng xây dựng thể chế góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, hoạt động đối ngoại cũng như tăng cường chính sách cho người dân; gắn liền công tác xây dựng thể chế với công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường công tác triển khai theo dõi thi hành pháp luật và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền trong công tác tư pháp, hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực và trách nhiệm của bộ máy làm công tác tư pháp, cơ quan tư pháp các cấp.

Đáp từ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường hay mặt toàn thể cán bộ, công chức ngành Tư pháp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự quan tâm với lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đối với công tác tư pháp trong thời gian qua. Trên cơ sở quán triệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các đại biểu tham dự  Hội nghị, toàn ngành Tư pháp quyết tâm củng cố đội ngũ, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao hiệu lực hiệu quả, đưa tư pháp gần dân hơn, thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân. 

Buổi chiều, Hội nghị tiếp tục thảo luận và nghe các tham luận, ý kiến chia sẻ về các vấn đề lớn trong công tác tư pháp, pháp chế và thi hành án dân sự như: Kinh nghiệm chỉ đạo công tác thi hành án dân sự của chính quyền địa phương; Kinh nghiệm kiểm tra, thanh tra công tác hộ tịch tại cơ sở và các giải pháp trong thời gian tới; Kiện toàn và nâng cao đội ngũ giám định pháp y, pháp y tâm thần hiện nay; Một số kết quả chỉ đạo công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất theo Nghị định số 17/1010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá quyền sử dụng đất; Tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính tại tỉnh Bắc Giang; Báo cáo kết quả việc thực hiện tự quản của tổ chức luật sư; Tổ chức pháp chế ở địa phương; kinh nghiệm đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung, nhưng vẫn quyết tâm để ngành Tư pháp tổ chức Hội nghị. Điều này khẳng định vị thế, vai trò của Ngành đã ngày càng được khẳng định và tăng cường, có nhiều đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện của Ngành trong năm 2012.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra những hạn chế yếu kém ngành Tư pháp cần khắc phục trong thời gian tới là hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính khả thi chưa cao; chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản còn nhiều hạn chế; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn; các Luật mới còn chậm được đưa vào cuộc sống; công tác hộ tịch chậm được đổi mới, còn thủ công, tiêu cực trong thi hành án dân sự, công chứng có dấu hiệu gia tăng...

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên, trong đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tới là việc một số lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác tư pháp, chưa quan tâm đúng mức tới lĩnh vực này. Đồng chí chỉ rõ: công tác tư pháp là công tác chung của của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền. Vì vậy, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác tư pháp, pháp chế; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai công tác tư pháp trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật; không ngừng tăng cường và coi công tác tư pháp, pháp chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, ngành, địa phương.

Trong năm 2013, Phó Thủ  tướng đề nghị ngành Tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Chính trị về lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, lấy ý kiến của các địa phương về sửa đổi Luật Đất đai; Tiếp tục tham mưu Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt những bộ luật lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân và sự phát triển đất nước; Khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản; Tập trung thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật, tạo cơ sở cho việc chuyển hướng từ xây dựng thể chế sang thực thi thể chế; Đẩy mạnh kiểm tra văn bản tại các Bộ, ngành, địa phương, kiên quyết xử lý các văn bản sai phạm; Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ có liên quan đến công dân và cơ sở dữ liệu về dân cư; Chuẩn bị thật tốt để triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Xúc động trước những phát biểu đầy trân trọng và chia sẻ của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thay mặt ngành Tư pháp hứa sẽ lĩnh hội, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Phó Thủ tướng, nỗ lực cố gắng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2013. Đồng chí cũng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương sẽ cùng phối hợp để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ công tác tư pháp trong thời gian tới.