Kiểm tra thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tại Hà Nội

11/01/2013
Sáng nay - 11/01, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính dẫn đầu Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP)” (Đề án 258) đã làm việc tại TP. Hà Nội.

Đánh giá của Đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện Đề án 258 hai năm qua, hoạt động GĐTP của Thành phố trong kỹ thuật hình sự, pháp y và pháp y tâm thần đã đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô. Chất lượng giám định được nâng cao về nội dung, bảo đảm chính xác và khách quan, chưa có trường hợp nào phải giám định lại. Đặc biệt, thông qua hoạt động GĐTP đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm như các loại tội phạm công nghệ cao, từ đó chủ động kiến nghị các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn tình hình tội phạm.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, đến hết năm 2012, hệ thống tổ chức giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự trên địa bàn TP Hà Nội đã được củng cố, kiện toàn, góp phần huy động, thu hút được các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực, điều kiện tham gia hoạt động GĐTP, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Nhưng phản ánh của nhiều đại diện Sở, ngành tại buổi làm việc cho biết, việc giám định theo vụ việc thuộc các lĩnh vực xây dựng, văn hóa, môi trường…còn rất hạn chế so với công tác giám định trong các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Bên cạnh đó, nguồn lực vào lĩnh vực này vẫn hạn chế khi cán bộ chưa “mặn mà”, cơ sở vật chất còn sơ sài trước những yêu cầu của công tác giám định…

Đánh giá những kết quả của Hà Nội trong việc triển khai thực hiện Đề án 258, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, “Cái quý” của Hà Nội là đã nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc vai trò, ý nghĩa của hoạt động GĐTP”. Nên để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP trên địa bàn TP, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tập trung tháo gỡ dần những khó khăn đang hạn chế hiệu quả của hoạt động GĐTP trên địa bàn như cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện, nguồn nhân lực có trình độ… cũng như tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan tư pháp và y tế TP trong lĩnh vực này.

Với quyết tâm “để hoạt động GĐTP tốt hơn lên”, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội sẽ xúc tiến thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và nhận thức của các cấp, ngành về công tác GĐTP…. Hiện Hà Nội có 3 tổ chức GĐTP: Trung tâm Pháp y Hà Nội, Phòng Kỹ thuật hình sự, CA TP Hà Nội và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Hà Nội, với 94 giám định viên.

H.Giang