Tiếp tục giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp

30/04/2023
Tiếp tục giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp
Chương trình là hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng, nhằm tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên.
Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2023), tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Đoàn Thanh niên Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình “Dâng hương và nghe giới thiệu về quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tham dự chương trình có các ông Trịnh Xuân Tùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp; Nguyễn Đức Thông, Phó Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Nguyễn Thanh Hà, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các tổ chức Đoàn phía Nam trực thuộc Đoàn Bộ Tư pháp, đoàn viên, thanh niên Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự Thành phố.
Kể từ thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bến Nhà Rồng, trên sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, ra đi tìm đường cứu nước đến nay đã 112 năm. Ngày nay, bến Nhà Rồng đã trở thành nơi mà các thế hệ cháu con đất Việt tìm về để tìm hiểu và trân trọng hơn những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh Cách mạng kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

Chương trình là hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng, nhằm tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên các đơn vị.
 
Bến nhà Rồng ban đầu là một thương cảng lớn ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1864 trên sông Sài Gòn. Gọi là Bến Nhà Rồng vì ở đó có một tòa nhà mang lối kiến trúc phương Tây nhưng trên đỉnh lại được gắn hai con rồng nên được người dân gọi là Nhà Rồng. Đây cũng là công trình đầu tiên do Pháp xây dựng từ sau khi chiếm được Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho tu bổ, sửa sang lại mái ngôi nhà và thay hai con rồng cũ thành mới với tư thế quay đầu ra sau năm 1955.
Từ đó đến nay, kiến trúc của nơi đây hầu như được giữ nguyên vẹn. Từ năm 1975 đến nay, trụ sở của thương cảng Nhà Rồng được chính quyền Việt Nam xây dựng lại trở thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh, đến năm 1995, khu di tích này tiếp tục được tu sửa và đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây chính là nơi trưng bày các hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tại đây các đồng chí cán bộ, đoàn viên, thanh niên thành kính dâng những nén hương thơm và những đoá hoa tươi thắm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn củaChủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, vị lãnh tụ thiên tài vô vàn kính yêu của dân tộc ta và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một trong những chiến sỹ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; được nghe các đồng chí hướng dẫn viên giới thiệu về hành trình bôn ba ra đi tìm đường cứu nước của Bác, những câu chuyện giản dị mà sâu sắc về cuộc đời và nhân cách cao của Bác đã để lại niềm xúc động và lòng biết ơn sâu sắc của mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên tham dự đối với Bác.
Chương trình là hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng, nhằm tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên các đơn vị; thông qua đó tạo sự lan tỏa, làm sâu sắc hơn nhận thức, khơi dậy tinh thần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, viên chức ngành Tư pháp.