Ngày 13/6 vừa qua, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng chính sách trong hoạt động lập pháp” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, các trung tâm, các viện nghiên cứu… Qua thảo luận của các đại biểu, có thể thấy rằng, chính sách cũng có rất nhiều cấp độ từ chính sách của cả hệ thống pháp luật, chính sách của từng văn bản pháp luật đến chính sách của từng quy định trong một văn bản pháp luật. Tuy nhiên, mỗi chuyên gia lại có cách tiếp cận khác nhau về phạm trù “chính sách”.
Thẩm quyền lựa chọn chính sách thuộc về ai?
Theo TS. Nguyễn Đình Lộc, trong hoạt động lập pháp của một quốc gia, nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật luôn luôn được đặt ở một tầm cao làm cơ sở, xuất phát điểm của mọi hoạt động lập pháp, bảo đảm tính hoàn chỉnh của từng quy phạm pháp luật, của từng chế định pháp luật đạt đến độ tối ưu. Nhìn từ phía Đảng cầm quyền, chính sách pháp luật chủ yếu mang tính chất chỉ đạo, định hướng phát triển cho hoạt động lập pháp của nhà nước. Còn về phía nhà nước, chính sách pháp luật – thường là của Quốc hội hoặc Chính phủ – có thể là một chương trình hành động vừa chuyển hoá, vừa bố trí theo lĩnh vực các dự án văn bản pháp luật phải được triển khai thực hiện trong từng thời đoạn đã được vạch định tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng lãnh đạo.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (Văn phòng Quốc hội) nhận định, công nghệ làm luật ở nước ta hiện nay vừa gây lãng phí thời gian mà chất lượng các đạo luật không cao. Để giải quyết thực trạng này, cần phải chuyển tư duy về quy trình lập pháp từ một quá trình soạn thảo và xin ý kiến lặp đi lặp lại nhiều lần thành tư duy về một quy trình lập pháp gồm các giai đoạn cơ bản là quyết định chính sách, dịch chính sách và thẩm định chính sách. Theo đó, quy trình lập pháp chỉ được khởi động khi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, qua các hoạt động của mình phát hiện ra những vấn đề cần phải điều chỉnh trên thực tế và đã nghiên cứu, tìm ra được những nguyên nhân mà để giải quyết chúng cần phải có những giải pháp lập pháp. Khác với ông Lộc, ông Dũng cho rằng, Chính phủ mới là người phê chuẩn các chính sách này, trước khi được dịch ra thành những quy phạm pháp luật cụ thể, để làm định hướng cho công tác soạn thảo và tạo ra sự đồng thuận trong Chính phủ.
Đồng tình với ông Dũng, LS. Trần Hữu Huỳnh (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh, với nguồn vào của chính sách là các kiến nghị của nhân dân thì nhà nước là người thẩm quyền lựa chọn chính sách. Khi chính sách được lựa chọn và cần thiết phải được luật hoá, các chủ thể có liên quan đều có thể đề xuất sáng kiến pháp luật, trong đó, Chính phủ là một chủ thể quan trọng. Nhưng đối với một xã hội dân sự, việc tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhóm lợi ích có liên quan khác cũng cần thiết không kém. Theo ông Huỳnh, thông qua được chính sách là thông qua được “phần hồn“ của luật, vấn đề còn lại chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật – dựng “hình hài, xương thịt“ của đạo luật bằng một ngôn ngữ pháp lý khúc triết, rõ ràng.
Không thể tách rời chính sách với hoạt động lập pháp!
Cũng theo TS. Lộc , giữa chính sách pháp luật và hoạt động lập pháp có mối quan hệ khăng khít, phụ thuộc vào nhau: chính sách pháp luật cần đến hoạt động lập pháp để chuyển hoá, trở thành các quy phạm có tính khuôn thước có khả năng hướng dẫn hành vi, cách cư xử của các chủ thể pháp luật và tạo được hiệu lực bắt buộc chung, bảo đảm để cái ý chí đã trở thành ý chí nhà nước được các chủ thể pháp luật tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Về phần mình, hoạt động lập pháp phải dựa vào chính sách pháp luật làm căn cứ xuất phát điểm cho hoạt động của mình, chuyển hoá chính sách pháp luật thành cơ sở.
GS – TS. Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) cho biết, theo quy định của pháp luật, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của mình. Việc thẩm tra chính là việc xem xét, đánh giá, phản biện nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách thể hiện trong các dự án luật, pháp lệnh. Đối với các chính sách ở cấp độ chung, đó là việc xem xét các điều luật trong dự thảo có thể chế hoá đúng đắn đường lối, quan điểm của Đảng hay không. Đối với các chính sách ở cấp độ cụ thể, đó là việc xem xét, đánh giá, phản biện các quy định trong dự thảo có phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Qua nghiên cứu thực tiễn phân tích chính sách ở một số nước châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand, nhất là những nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường như Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lam (Văn phòng Quốc hội) thấy rằng, phân tích chính sách là công đoạn đầu tiên trong quy trình lập pháp của các nước trên. Bởi, chỉ khi đã nhận biết và tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề của cuộc sống đang đặt ra mới có thể soạn thảo được những đạo luật thích hợp. Ông kiến nghị, phải đưa phân tích chính sách trở thành một công đoạn bắt buộc trong quy trình lập luật hoặc ít nhất cũng phải cải tiến khâu lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng thực chất hơn, tránh những hiện tượng như “giữ chỗ”, chạy theo thành tích, cảm tính…
Hoàng Thư