Bộ Tư pháp: Đề xuất nghiên cứu quy định của pháp luật về quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế

16/06/2008
Cuối tuần qua, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số cơ quan về Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (gọi tắt là TTLT số 03).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước đó, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế đề nghị tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra đối với TTLT số 03 và đã nhận được kết quả tự kiểm tra của 2 Bộ này. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp thấy rằng, vẫn còn có ý kiến chưa thống nhất về TTLT số 03 nên đã tổ chức cuộc họp trên nhằm tiếp tục trao đổi, thảo luận và xác định rõ hơn tính hợp pháp, tính thống nhất của TTLT số 03. Mở đầu cuộc họp, bà Mạc Thị Hoa - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, theo phản ánh từ đơn thư bạn đọc của một số tờ báo, TTLT số 03 có nhiều nội dung trái với Khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, các Nghị định số 172/2004/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP. Quan điểm của Cục là TTLT số 03 đã ban hành đúng thẩm quyền theo Khoản 6 Điều 11 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP nhưng Thông tư quy định cả vấn đề quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thì cần phải xem xét lại.

Tại cuộc họp, thống nhất với quan điểm của Cục Kiểm tra VBQPPL, đại diện Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đều cho rằng, việc liên Bộ ban hành TTLT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là đúng thẩm quyền. Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 11 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP và các Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, số 14/2008/NĐ-CP, thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ là hướng dẫn chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, còn thẩm quyền của UBND cấp tỉnh là hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Vì vậy, TTLT số 03 đã quy định có tính định hướng là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ “hướng dẫn UBND cấp huyện quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Phòng Y tế” (điểm a khoản 2 phần III) và “quyết định việc thành lập, sát nhập, giải thể, chia tách, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp về y tế của tỉnh trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn tại Thông tư này” (điểm b khoản 2 phần III).

Riêng về hướng dẫn việc quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện, cấp xã (bao gồm Trung tâm y tế, Trạm y tế cấp xã, bệnh viện huyện), Bộ Y tế và Bộ Nội vụ lý giải, thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thể chế về phân định rõ quản lý nhà nước với quản lý sự nghiệp ở cấp huyện đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 172 và số 14 cũng như chủ trương xã hội hoá các hoạt động y tế, nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế không dừng lại đối với các tổ chức sự nghiệp y tế công lập mà còn quản lý tất cả các tổ chức y tế tư nhân trên địa bàn. Hơn nữa, dịch vụ y tế là loại hình dịch vụ công đặc biệt, mang tính chuyên môn nghiệp vụ sâu và có tính liên thông giữa các tuyến trong khám chữa bệnh và trong phòng chống bệnh dịch nên không thể phân chia, cắt cứ theo địa giới hành chính, cấp hành chính như hoạt động của các ngành khác. Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn, nếu tiếp tục để Phòng Y tế - một tổ chức hành chính cơ bản, không có cơ cấu tổ chức trực thuộc bên trong - tiếp tục quản lý trạm y tế xã thì sẽ gặp khó khăn trong giám sát hỗ trợ các hoạt động chuyên môn tại xã. Bởi thế, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ khẳng định, nội dung trên của TTLT số 03 hoàn toàn phù hợp với đặc thù, yêu cầu của ngành y tế, đáp ứng điều kiện thực tế ở các địa phương trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Theo đại diện báo Pháp luật Việt Nam, báo đã có bài phản ánh về những nội dung trái pháp luật TTLT số 03 và tại cuộc họp này, báo vẫn bảo lưu ý kiến về việc hướng dẫn quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế của Thông tư là không đúng các quy định của pháp luật. Nhất trí với báo, đại diện Văn phòng Chính phủ còn đề nghị, liên Bộ cần xem xét lại nội dung trên và nếu cần, có thể đề xuất xây dựng một nghị định hướng dẫn quản lý các đơn vị sự nghiệp.

Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên ủng hộ quan điểm quản lý ngành dọc của Bộ Y tế. Song, ông cho rằng, tuy có thể là phù hợp thực tiễn nhưng một số nội dung của TTLT số 03 đã “vượt” Nghị định số 13 và số 14. Theo đề xuất của Thứ trưởng Liên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh sẽ cùng Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm các quy định của pháp luật về quản lý đơn vị sự nghiệp. Hoan nghênh tinh thần góp ý xây dựng ngành của các cơ quan ngôn luận, bà Xuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ kịp thời cung cấp thông tin liên quan tới TTLT số 03 cho các báo.

Cẩm Vân