Triển khai thực hiện Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư

15/06/2008
Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan nhằm thống nhất về kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 14/5/2008.

Tại cuộc họp, ông Lê Hồng Sơn - đại diện lãnh đạo Vụ Bổ trợ tư pháp - đã phổ biến một số nội dung chính của Đề án. Theo đó, giai đoạn 2008 – 2010, sẽ có từ 30 đến 50 chỉ tiêu dành cho công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC (kinh phí dự toán là hơn 3 triệu USD) và số lượng luật sư không hạn chế được gửi đến các cơ sở đào tạo nghề luật sư và thực hành nghề nghiệp trong các công ty luật ở nước ngoài trong khoảng thời gian 21 – 27 tháng. Ngoài một số điều kiện, với ưu tiên gửi đi đào tạo tại 5 nước Anh, Mỹ, Australia, Pháp và Đức, Đề án đặt ra yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp như chứng chỉ tiếng Anh TOEFL đạt 600 điểm hoặc IELTS đạt 6,5 điểm, chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 hoặc TCF Niveau 3, chứng chỉ tiếng Đức ZD cấp độ 3 hoặc tương đương do Viện Goethe cấp. Căn cứ số lượng hồ sơ dự tuyển, Hội đồng tuyển chọn do đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Chủ tịch sẽ xem xét, lập danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn và tiến hành phỏng vấn để gửi học viên trúng tuyển đi nước ngoài theo từng đợt. Đề án cũng đề cập đến cách sử dụng chuyên gia pháp luật, luật sư đã được đào tạo, trong đó giao Bộ Tư pháp thành lập Câu lạc bộ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế quốc tế và hình thức xử lý những trường hợp vi phạm cam kết.

Về Kế hoạch thực hiện Đề án, ông Sơn cho biết, dự kiến từ nay đến tháng 11/2008, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành các đầu việc sau: phổ biến nội dung Đề án cho doanh nghiệp, Hiệp hội, Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư; liên hệ, lựa chọn cơ sở đào tạo nghề luật sư và công ty luật, soạn thảo văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng đào tạo; thành lập Hội đồng tuyển chọn; dự toán kinh phí khảo sát, kinh phí tuyển chọn học viên; soạn thảo các văn bản liên quan đến Đề án như Quy chế quản lý và sử dụng học viên được đào tạo theo Đề án, Văn bản cam kết của luật sư tham gia chương trình đào tạo theo Đề án, Quy chế cho vay tín dụng ưu đãi đối với luật sư…; tổ chức các Đoàn khảo sát; thông báo, tổ chức tuyển sinh và gửi học viên đi đào tạo ở nước ngoài. Góp ý cho dự thảo Kế hoạch, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị Hội đồng tuyển chọn phải có cơ chế hoạt động công khai, minh bạch để tránh kiện tụng về sau. Bộ Ngoại giao lưu ý, trong Hội đồng tuyển chọn chưa có thành viên là đại diện của Bộ này. Theo đại diện TANDTC và VKSNDTC, Bộ Tư pháp nên có công văn thông báo sớm cho các Bộ, ngành về nội dung, cách thức thực hiện Đề án để các Bộ, ngành chủ động rà soát đội ngũ cán bộ của mình đáp ứng được các điều kiện của Đề án. Một số đại biểu khác yêu cầu, trong Kế hoạch phải dự kiến thời gian ban hành của các văn bản thuộc Đề án và đề xuất hình thức gửi giấy mời trực tiếp cho một số tổ chức hành nghề luật sư. Thậm chí, có người còn băn khoăn liệu có thể hạ tiêu chuẩn về ngoại ngữ trong trường hợp không tuyển đủ số lượng công chức được không.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên nhất trí, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng công văn gửi cho các Bộ, ngành, cho Đoàn luật sư, một số doanh nghiệp hoặc thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về nội dung, yêu cầu của Đề án để có thể nắm bắt nhu cầu, số lượng những ứng viên đạt chuẩn làm cơ sở cho việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo. Đồng thời, Bộ sẽ khẩn trương xây dựng các văn bản liên quan và tìm kiếm các cơ sở đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài mà học viên có thể được bổ nhiệm làm luật sư tại đây. Riêng đối với băn khoăn của một số đại biểu, Thứ trưởng Liên khẳng định không thể hạ chuẩn được nhưng nếu không có đủ số lượng cán bộ thì Bộ Tư pháp mới tính đến phương án này để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.

Cẩm Vân