Thống nhất một số quy định trong Luật Đăng ký bất động sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003

09/06/2008
Đó là mục đích quan trọng của cuộc họp giữa các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập hai dự án luật đang được quan tâm hiện nay là Luật Đăng ký bất động sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003. Phát hiện một số nội dung đều được quy định trong cả hai dự luật này, để tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong quy định của pháp luật về cùng một vấn đề, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp vào sáng ngày 05/6/2008 giữa các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập của hai dự án luật để đi đến thống nhất một số quy định trong Luật Đăng ký bất động sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có ông Trần Thế Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, GS.TS Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập của hai dự án luật này.
Bà Nguyễn Thuý Hiền - Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thay mặt tổ biên tập dự án Luật Đăng ký bất động sản nêu lên một số quy định trùng lặp giữa hai dự án luật này.
          Thứ nhất: cả hai dự án luật đều có quy định về giấy chứng nhận nhưng tên gọi của loại giấy này thì không trùng nhau. Luật đăng ký bất động sản gọi là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất"; còn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.  
          Thứ hai: cả hai dự án luật đều đề cập đến cơ quan đăng ký bất động sản. Trong Luật đăng ký bất động sản quy định cơ quan đăng ký bất động sản là Văn phòng đăng ký bất động sản, còn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai lại giữ nguyên là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
          Thứ ba: về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, trong Luật đăng ký bất động sản  quy định thẩm quyền theo địa hạt, còn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai quy định theo cấp hành chính và loại chủ thể.
          Thứ tư: cả hai dự án luật đều quy định các trường hợp được cấp giấy chứng nhận và trình tự thủ tục cấp giấy.
          Thứ năm:  Luật đăng ký bất động sản quy định hồ sơ đăng ký, các hợp đồng về quyền sử dụng đất đều phải có công chứng, chứng thực nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai lại quy định bãi bỏ việc công chứng, chứng thực hợp đồng.
 Tham gia thảo luận về những vấn đề đã nêu trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: việc thống nhất quy định một số vấn đề về đăng ký bất động sản trong hai luật này là rất quan trọng. Theo ông, không nên đưa quy định về thủ tục đăng ký trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai mà nên để Luật Đăng ký bất động sản điều chỉnh vấn đề này. Ông cũng cho rằng nếu tách bạch được giữa vấn đề quản lý nhà nước và hoạt động đăng ký thì việc đăng ký bất động sản sẽ mang tính chất đăng ký dân sự, do đó đăng ký không nên quy định là bắt buộc. Về giá trị pháp lý của việc đăng ký ông cho rằng cần phải làm rõ được cơ chế bảo hộ của nhà nước đối với người đi đăng ký thì mới thấy được giá trị, ý nghĩa của việc đăng ký.
Theo Thứ trưởng Trần Thế Ngọc sở dĩ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để quy định Văn phòng đăng ký có thẩm quyền theo đơn vị hành chính mà không theo địa hạt là do thẩm quyền theo địa hạt tuy linh hoạt nhưng nếu theo địa hạt thì một văn phòng đăng ký có thể có thẩm quyền trên nhiều huyện mà việc đăng ký phải gắn kết các thông tin về đất đai, trong khi đó các thông tin này lại được quản lý theo địa giới hành chính.
Sau khi đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, các thành viên tham dự đã đi đến thống nhất một số vấn đề sau:
          (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai không quy định về giấy chứng nhận mà để quy định trong Luật Đăng ký bất động sản.
          (2) Về cơ quan đăng ký bất động sản không quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai mà quy định tại Luật Đăng ký bất động sản.       
          (3) Tiếp tục quy định vấn đề công chứng trong Luật Đất đai vì thủ tục công chứng đảm bảo an toàn cho các giao dịch.
          (4) Về giá trị pháp lý của việc đăng ký thì đăng ký chỉ là sự ghi nhận qua đó tạo lợi thế cho người đăng ký trong giao dịch, đăng ký không làm phát sinh quyền sở hữu, mục đích chính của việc đăng ký là bảo đảm công khai, minh bạch về bất động sản.
          (5) Những quy định về trình tự, thủ tục đăng ký Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai không điều chỉnh mà để quy định thống nhất trong Luật Đăng ký bất động sản.
 
Ngọc Phượng - Cục Đăng ký