Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức toạ đàm góp ý dự thảo quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

10/06/2008
Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức toạ đàm góp ý dự thảo quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2008 và được sự tài trợ của “Dự án hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đoạn 2005-2009”, ngày 09/6/2008, tại Hà Nội, Cục TGPL tổ chức toạ đàm góp ý dự thảo quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Đến dự buổi toạ đàm có gần 50 đại biểu  đại diện một số Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình); đại diện Đoàn luật sư (Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thái Bình); đại diện Sở Công an, TAND thành phố Hà Nội; đại diện Văn phòng TGPL thuộc TW Hội cựu chiến binh; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Văn phòng Bộ, Vụ Bổ trợ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ); Báo Pháp luật; lãnh đạo và cán bộ, công chức thuộc Cục TGPL. Đồng chí Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - chủ trì toạ đàm.

Đồng chí Tạ Thị Minh Lý phát biểu khai mạc toạ đàm và hướng dẫn một số nội dung tập trung thảo luận. Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng dự thảo quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là điểm b, Khoản 1, Điều 44 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ. Trong quá trình xây dựng, Cục Trợ giúp pháp lý tham khảo kinh nghiệm nghề nghiệp của một số nghề như: luật sư, bác sỹ, kiểm toán... Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là một nghề như luật sư: cung cấp pháp luật nhưng khác luật sư ở chỗ: chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý rộng hơn: là cán bộ bộ Nhà nước (Trợ giúp viên pháp lý) và một số luật sư, cộng tác viên, Tư vấn viên pháp luật. Chủ thể cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý đa dạng, rộng hơn: của nhà nước (Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh...), xã hội (Văn phòng luật sư, công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật...). Đặc thù của trợ giúp pháp lý là miễn phí hoàn toàn, đối tượng cũng đặc thù là người có công, người già không nơi nương tựa, trẻ em... Khi cung cấp dịch vụ cho những đối tượng đặc thù này thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được thể hiện trong mối quan hệ với đối tượng trợ giúp pháp lý, đồng nghiệp và với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức có liên quan khác.

Trên cơ sở gợi ý của đồng chí chủ toạ và sau gần 01 ngày làm việc căng thẳng, có 20 đại biểu tham gia góp ý về dự thảo quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ cấu, bố cục của dự thảo và một số vấn đề về câu chữ, cách thể hiện trong văn bản.

Về sự cần thiết ban hành quy tắc: đa số các ý kiến cho rằng, việc ban hành  quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là kịp thời và cần thiết, đáp ứng được  vướng mắc hiện nay của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Về tên gọi của quy tắc: đa số các ý kiến cho rằng: tên gọi “quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý” như dự thảo là phù hợp, bởi nếu tên gọi là “quy tắc đạo đức nghề nghiệp trợ giúp pháp lý” thì phạm vi sẽ hẹp hơn, chỉ quy định về phạm trù đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh: dự thảo đưa ra 2 phương án là quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý chỉ áp dụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, phương án 2 là quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý áp dụng cho cả tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đã có nhiều ý kiến phát biểu, tranh luận về 2 phương án này. Đại diện cho các Sở Tư pháp (Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang...) cho rằng nên áp dụng phương án 2, cần điều chỉnh cả quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh của Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thuộc các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức hành nghề luật sư). Còn đại diện các Trung tâm trợ giúp pháp lý (Hải Phòng, Hưng Yên...), Đoàn luật sư (Ninh Bình, Bắc Giang...) nghiêng về phương án 1, tức là quy tắc nghề nghiệp chỉ áp dụng cho cá nhân người thực hiện trợ giúp pháp lý. Về phạm vi điều chỉnh của quy tắc nên điều chỉnh theo từng vấn đề: quy tắc người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quan hệ với đối tượng, với đồng nghiệp, với các cơ quan, tổ chức khác..., quy định về hành vi, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp, cách ứng xử... của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, còn có một số đại biểu băn khoăn về nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý là người thường xuyên thực hiện trợ giúp pháp lý còn cộng tác viên không thực hiện trợ giúp pháp lý thường xuyên với kế sinh nhai, do vậy có thể coi là nghề không. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử có thể độc lập, còn Trợ giúp viên pháp lý khi giải quyết vụ việc (thực hiện kiến nghị, tham gia tố tụng...) còn phải phụ thuộc vào nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nếu độc lập máy móc thì khó có thể giải quyết vụ việc. Ngoài ra, một số quy định trong dự thảo còn dàn trải, trùng lặp, một số từ ngữ dùng chưa chuẩn... Ngoài việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, thì cộng tác viên là luật sư có còn phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp của luật sư không?... Một số đại biểu cho rằng đã là quy tắc nghề nghiệp thì cần phải thể hiện cụ thể, ngắn gọn, dễ thuộc không nên theo chia theo các chương, điều.

Sau buổi toạ đàm này, nhóm soạn thảo của Cục Trợ giúp pháp lý sẽ khẩn trương chỉnh sửa dự thảo theo các góp ý của các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo và làm các thủ tục lấy ý kiến góp ý địa phương, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý