Trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” năm 2023, Vụ Con nuôi đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về giải quyết nuôi con nuôi ở khu vực biên giới tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn trong các ngày từ 20 đến 24 tháng 11 năm 2023.
Đoàn khảo sát do đồng chí Phạm Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi làm trưởng Đoàn đã phối hợp Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và Phòng Tư pháp huyện Hà Quảng (Cao Bằng) để khảo sát tại các xã khu vực biên giới của hai huyện.
Nuôi con nuôi ở khu vực biên giới được quy định cụ thể tại Điều 21 và Điều 22 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. Kể từ khi thực hiện Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đến nay, sau 12 năm triển khai thi hành, Vụ Con nuôi tiến hành rà soát, đánh giá phục vụ cho việc hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi, trong khả năng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.
Tại huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), Đoàn đã tiến hành khảo sát tại xã Quốc Khánh, một xã vùng cao biên giới, phía Đông giáp Trấn Hạ Đống, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tại huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), Đoàn khảo sát đã khảo sát làm việc với 7/8 xã biên giới giáp biên với Trung Quốc, bao gồm: Sóc Hà, Trường Hà, Lũng Nặm, Cải Viên, Tổng Cọt, Cần Nông, Cần Yên.
Qua các buổi làm việc, bao gồm việc phỏng vấn trực tiếp đối với các cán bộ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giải quyết nuôi con nuôi tại các xã, cán bộ Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp, Đoàn khảo sát đã nắm được về cơ bản thực trạng giải quyết nuôi con nuôi ở khu vực biên giới của hai địa bàn. Mặc dù hai huyện có chung khu vực biên giới tương đối dài 51, 078 km (đối với huyện Tràng Định) và 74,871 km (đối với huyện Hà Quảng), tuy nhiên, trong 12 năm qua chưa phát sinh trường hợp nuôi con nuôi được giải quyết theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. Trong năm 2023, xã Quốc Khánh chỉ phát sinh 01 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, được thực hiện giữa công dân Việt Nam với nhau, thường trú tại khu vực xã biên giới. Cũng trong năm 2023, toàn huyện Tràng Định có 05 trường hợp giải quyết nuôi con nuôi trong nước (trong tổng số 22 xã).
Nguyên nhân ghi nhận ban đầu là do, đây là các xã biên giới miền núi, mật độ dân số thưa, đi lại giữa hai bên rất khó khăn, đặc biệt đã bị hạn chế sau dịch Covid-19. Về cơ bản, công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước nói chung đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương; công chức tư pháp-hộ tịch, công chức Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp nắm vững các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi về trình tự, thủ tục giải quyết.
Nhân chuyến khảo sát này, Đoàn công tác đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước như tiêu chí xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi, xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết nuôi con nuôi, khó khăn trong việc đôn đốc cha mẹ nuôi báo cáo tình hình phát triển của con nuôi, vấn đề ghi chú và thay đổi hộ tịch của con nuôi.
Đoàn công tác đã ghi nhận thực trạng và những kiến nghị từ địa phương để xây dựng Báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về nuôi con nuôi tại khu vực biên giới trong thời gian tới./.